Blog

Giải Mã Ý Nghĩa Của Các Biểu Tượng Văn Hóa Thường Gặp

3017
Hình ảnh rùa đội hạc ở trong các đình, chùa. Ảnh: internet.

Giải mã biểu tượng văn hóa rùa đội bia, hạc đứng trên lưng rùa, hai rồng chầu lửa, linh thú đầu đao, con nghê, rắn và các biểu tượng tâm linh khác.

Hình ảnh rùa đội bia có ý nghĩa gì?

Chắc hẳn mỗi người trong chúng ta đều không ai còn xa lạ với hình ảnh những chú rùa đội trên mình tấm bia đá đặt ở trong văn miếu hay các ngôi chùa. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được ý nghĩa tường tận của biểu tượng này.

Trong văn hóa của người Việt, con rùa là một trong những con vật linh thiêng, nằm trong bộ tứ linh bao gồm: Long, Ly, Quy, Phụng. Trong đó, rùa là con vật tượng trưng cho sự trường tồn và bất diệt. Mặc dù không phải là con vật của Phật giáo, nhưng rùa cũng là biểu trưng cho sự trường tồn của Phật giáo.

Trong một số ngôi chùa ở thời Lý -Trần, rùa được chạm thành tường bằng đá làm bệ để đội bia. Dáng rùa đầu to, mập, vươn ra khỏi mai, mồm thuôn nhọn, mắt nhỏ, bốn chân khép sát vào thân mai. Và hiện tại, ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội cũng vẫn đang còn lưu trữ 82 con rùa đội trên lưng mình 82 tấm bia ghi tên của các vị tiến sĩ đỗ đạt thời xưa, như một minh chứng biểu hiện cho nền văn hiến bất diệt của dân tộc Việt Nam.

Rùa đội bia tiến sỹ ở Văn miếu  Quốc Tử Giám. Ảnh: internet.
Rùa đội bia tiến sỹ ở Văn miếu  Quốc Tử Giám. Ảnh: internet.

Hình ảnh những rùa đội bia đá, trên bia đá ghi lại sử sách của dân tộc Việt Nam như vậy, vốn vẫn được mọi người hiểu rằng điều đó mang ý nghĩa rùa là vật truyền tải thông tin và văn hóa.

Phải chăng sự lí giải trên vẫn còn quá khiêm nhường, chưa bóc tách được hết tầng ý nghĩa ẩn sâu trong đó ?.

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV Pháp luật Plus đã có buổi trao đổi với GS Trần Lâm Biền, một trong những nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, luôn tâm sức cho công cuộc bảo tồn các di sản văn hóa của dân tộc.

Bên cạnh đó, ông cũng có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian, tín ngưỡng tôn giáo như : Phật giáo và văn hóa dân tộc; Một con đường tiếp cận lịch sử; Chùa Việt; Đồ thờ trong di tích của người Việt….

Chia sẻ với Pháp luật Plus, GS. Trần Lâm Biền cho biết:

“Để giải thích hình tượng trên, trước tiên phải nói đến ý nghĩa của hình ảnh con rùa đối với văn hóa của người Việt. Con rùa có 2 bộ phận biểu chưng chính đó là phần mai khum khum biểu tượng cho trời, còn phần bụng phẳng tượng trưng cho đất. Bởi vậy, khi trời đất giao hòa, con người sẽ nằm ở giữa. Và phần giữa ấy giống như cái nhà đối với con người, với phần mái là chiếc mai rùa, sàn nhà là phần bụng rùa còn cột nhà chính là phần chân rùa.

Trong đó, con người nằm ở giữa, tức là nằm trong dòng chảy của sinh lực trời đất, mọi sự việc, hoạt động phát sinh, phát triển của con người đều diễn ra ở đây.

Sự tồn tại của con rùa là do âm dương đối đãi, hòa hợp giữa phần mai và phần thân rùa. Bởi vậy, rùa mang trọng trách đội bia.

Nói về tấm bia, nó tồn tại do đi đúng với quy định của trời đất và các tầng vũ trụ. Chán bia và vòng chầu mặt trời là biểu trưng của tầng trên. Còn rùa đóng vai trò ở tầng dưới, sự việc của con người sẽ nằm ở giữa con rùa. Điều đó tạo nên thiên địa nhân hòa. Hay có thể nói, 3 biểu tượng ấy hợp lại tạo thành hình ảnh rùa đội bia, biểu tượng cho sự bền vững.”

Hình ảnh rùa đội bia là biểu tượng cho sự bền vững. Ảnh: internet.
Hình ảnh rùa đội bia là biểu tượng cho sự bền vững. Ảnh: internet.

Không chỉ có hình ảnh rùa đội bia, mà trong văn hóa của người Việt có rất nhiều hình ảnh biểu tượng đặc sắc khác, mà đến nay ý nghĩa của chúng vẫn luôn là một ẩn số khiến cho mọi người luôn hiếu kì muốn khám phá.

Hình ảnh hạc đứng trên lưng rùa có ý nghĩa gì?

Có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao con hạc lại đứng trên lưng con rùa chứ không phải là một con vật khác?. Tiếp theo Giải mã biểu tượng văn hóa phần 1, hãy cùng chúng tôi giải mã các biểu tượng văn hóa đầy thú vị này.

Đến tham quan các khu đền, miếu, đình, chùa, không khó để bắt gặp hình ảnh chú rùa thấp bé đang cõng trên lưng con chim hạc cao lêu khêu. Ngoài ra, không chỉ ở các đền chùa mà ngay cả những bộ đỉnh đồng thờ gia tiên cũng sử dụng hình ảnh 2 con vật này để thờ cúng.

Mặc dù được đặt ở rất nhiều nơi khác nhau, và cũng không còn xa lạ với mỗi chúng ta nhưng không phải ai cũng biết được hình ảnh mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc như thế này là gì bởi xoay quanh hình ảnh hạc đứng trên lưng rùa đã có rất nhiều những lí giải khác nhau trước đó.

Hình ảnh rùa đội hạc ở trong các đình, chùa. Ảnh: internet.
Hình ảnh rùa đội hạc ở trong các đình, chùa. Ảnh: internet.

Trước tiên, theo quan điểm của người Việt, rùa là loài bò sát lưỡng cư, có tuổi thọ rất cao, thường được gọi là cụ rùa, thần rùa. Rùa có thân hình chắc chắn cộng với khả năng sống lâu cho nên được ví như biểu tượng của sự trường tồn. Bên cạnh đó, rùa là loài vật ăn ít, có khả năng nhịn đói tốt nên được coi là thoát tục.

Còn hạc được xem như một loài chim quý, hình ảnh hạc thường xuất hiện bên các vị thần tiên. Hạc cũng là loài vật tượng trưng cho sự trường thọ.

Bởi vậy, sự kết giữa 2 con vật linh là rùa và hạc này đội nhau đã tạo nên biểu tượng “thọ đội thọ”. Thể hiện cho khát vọng trường tồn, biểu tượng cho một sự may mắn.

Mặt khác, cũng có cách lí giải khác cho rằng rùa là loài vật sống ở dưới đất, còn hạc là loài sống ở trên cao. Khi hạc đứng trên mình rùa tạo thành một cặp. Hình ảnh đó thể hiện sự hài hòa, gắn kết giữa hai thái cực âm dương.

Hình ảnh rùa và hạc luôn đi cùng với nhau mang nhiều ý nghĩa văn hóa. Ảnh: internet.
Hình ảnh rùa và hạc luôn đi cùng với nhau mang nhiều ý nghĩa văn hóa. Ảnh: internet.

Với góc độ của một người am hiểu sâu rộng và có thời gian dài nghiên cứu văn hóa Việt Nam, khi trao đổi với Pháp luật Plus về vấn đề này, GS Trần Lâm Biền – một chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa – dân gian, đã có những chia sẻ và lí giải về vấn đề này như sau:

“Nói về hình ảnh con hạc trong văn hóa của người Việt Nam, ông cho biết: “Con hạc đầu đội công lý, mắt biểu trưng cho mặt trời và mặt trăng, cánh là gió, lông là cây cỏ, còn chân có ý nghĩa là đất. Bởi vậy, đây là một linh vật biểu tượng cho không gian, cho bầu trời và lực dương.

Ngoài ra, những con hạc được thiết kế với chiếc mỏ há ra đang ngậm viên ngọc thể hiện sự trong sáng, còn biểu trưng cho đạo pháp. Thực chất hạc là con chim thiêng biết giảng về đạo lí.

Còn con rùa thuộc phần âm, biểu trưng cho đất. Đó vẫn là tư duy nông nghiệp, âm dương đối đãi tồn tại từ bao đời nay ở dân tộc Việt ta. Cho nên, hình ảnh hạc đứng trên mình rùa về mặt nào đó, chính là biểu tượng của sự trường tồn.”

Hình ảnh rùa đội hạc trong Văn miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: internet.
Hình ảnh rùa đội hạc trong Văn miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: internet.

Bên cạnh những hình ảnh biểu trưng văn hóa luôn có những tồn tại về cách hiểu và lí giải khác nhau. Không thể khẳng định rằng quan điểm này là đúng và phủ nhận quan điểm của người kia. Chúng ta nên chấp nhận và tiếp thu chúng ở mọi góc độ nhìn nhận bởi thế giới tâm linh vốn huyền bí, còn văn hóa luôn vô cùng

Đại bàng Kim Sí Điểu mình người đầu chim

Từ một loài vật có sức mạnh vô song, hình dáng kì lạ và hay sát sinh trong Hindu giáo, Kim Sí Điểu đã đi vào kinh điển của đạo Phật, trở thành vị thần hộ pháp. Sự ác có thể được chuyển hóa thành sự lành, sự xấu xa có thể được chuyển hóa thành thánh thiện. Lòng từ bi của Đức Phật có những lúc tưởng như đi ngược với logic tư duy của con người, thế nhưng lại là giải pháp khôn ngoan cho hòa bình và an lạc.

Kim Sí Điểu có nguồn gốc từ trong văn hóa Hin đu

Kim Sí Điểu hay còn gọi là đại bàng Kim Sí Điểu vốn có tên là Ca Lâu La phiên âm từ Garuda, tức là con chim thần từ trong văn hóa Hin đu, chuyển nhập vào văn hóa Phật giáo.

Hình tượng Garuda ban đầu có thân hình rất vạm vỡ, đầu chim, mỏ đại bàng, phía trên có mũi miệng và đằng sau có một đôi cánh. Đây là hình ảnh hư cấu, do con người sáng tạo nên.

Về sau, hình tượng loài vật này còn trở thành biểu tượng của một số thủ đô của Châu Á như Bangkok, Thái Lan và Ulan Bator, Mông Cổ.

Garuda là biểu tượng của thủ đô Bangkok, Thái Lan.
Garuda là biểu tượng của thủ đô Bangkok, Thái Lan.

Garuda được tạc trong nhiều tư thế như Garuda đang ăn rắn thần Naga hay hình ảnh vị thần Vishnu – chúa tể của các vị thần đang chinh phục Garuda.

Liên quan đến những tư thế đó, trong văn hóa Ấn độ vẫn lưu truyền câu chuyện về mối thù giữa loài rắn và loài rồng với chim thần Garuda.

Mẹ của Garuda là thần Vinata bị mẹ của các loài rắn loài rồng Naga là Kadru cầm tù, cho nên chim Garuda thường phải lên thiên đình ăn trộm các vị thuốc và bảo bối của các vị thần để mang về cứu mẹ mình. Thế nhưng khi lên đến thiên đình, Garuda bị phát hiện và bị các sư thần tiến đánh dữ dội.

Hình ảnh Garudu mình người đầu chim, nuốt rắn.
Hình ảnh Garudu mình người đầu chim, nuốt rắn.

Tuy nhiên, Garuda là biểu hiện của sức mạnh nên không có vị thần nào chiến thắng cả. Cuối cùng phải đích than thần Shiva xuất trận. Lúc đó Garuda mới bị chinh phục. Và kể từ đây, Garuda trở thành vật cưỡi của thần Vishnu.

Câu chuyện này có ý nghĩa khá sâu sắc, thể hiện sự cảm hóa của vị thần có quyền lực tối cao đối với một con vật ác trở thành con vật lành, là lời răn dạy chúng sinh. Và mô típ này cũng ảnh hưởng rất nhiều trong văn hóa Phật giáo và cả hình tượng Sí Điểu trong văn hóa Việt Nam.

Kim Sí Điếu trong văn hóa Việt Nam

Chùa Bối Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội là một ngôi chùa có lịch sử lâu đời. Hiện trong chùa đang lưu giữ bức tượng hình Kim Sí Điểu có từ thời nhà Trần đang đội bệ đá hoa sen.

Giải thích về ý nghĩa bức tượng này, Tiến sỹ Trần Trọng Dương (Viện nghiên cứu Hán Nôm) cho biết: “Tư thế Garuda đội bệ đá hoa sen được bắt nguồn từ một câu chuyện trong Phật giáo. Chuyện kể rằng Garuda vốn là một loài thú dữ, là loài chim chuyên ăn thịt.

Một ngày nó có thể ăn 500 con rồng con và 1 con rồng to. Đó là một chuyện đại sát sinh. Bởi vậy Đức Phật từ bi mới gọi Garuda đến và nói rằng: “Từ đây,ngươi hãy chấm dứt cuộc đại sát sinh đó và đi theo Đức Phật”

Garuda hỏi lại rằng: “Nếu tôi không ăn thịt rồng thì tôi làm sao sống được ?”

Đức Phật trả lời: “Sau này, trong mỗi bữa ăn ta sẽ cho các đệ tử của ta cúng thí cho ngươi một chút thức ăn thì ngươi có thể sống được”.

Garuda đã được Đức Phật cảm hóa và từ đó trở thành nhân vật luôn đi theo Đức Phật, thành một vị thần chống đỡ thế giới, chống đỡ tòa sen.

Garuda ở đây được truyền từ văn hóa Hindu vào đến văn hóa Phật giáo. Từ một loài vật chuyên sát sinh đã trở thành bát mộ chúng và đi theo Đức Phật để giúp đỡ chúng sinh bớt khỏi khổ đau.

Kim Sí Điểu mình người đầu chim trong bộ phim nổi tiếng Tây Du Ký.
Kim Sí Điểu mình người đầu chim trong bộ phim nổi tiếng Tây Du Ký.

Câu chuyện về Garuda còn mang lớp ý nghĩa nữa, thể hiện sức mạnh của Đức Phật. Bởi Đức Phật còn được gọi là Đại Hùng – một người có sức mạnh vô biên, tất cả Tam Bảo đều có ghi Đại hoành phi là Đại Hùng điện là để thờ Đức Phật.

Đức Phật là sức mạnh của sự từ bi, lòng nhân có thể cảm hóa tất cả tội ác ở trên đời để họ quy y về với điều lành và cõi Phật. Câu chuyện cảm hóa Garuda hay Ca Lâu La này là minh chứng cụ thể cho sức mạnh Đại hùng của Phật pháp.

Còn một chi tiết khá thú vị đó là loài Garuda hay Kim Sí Điểu này còn được coi là cậu của Phật tổ.

Chuyện kể rằng nguyên từ lúc trời còn hỗn độn, trong các loài biết bay thì Phượng hoàng là chúa. Phượng hoàng sinh ra Khổng tước và Đại bàng. Khổng tước hung dữ, nuốt cả Như Lai vào bụng. Như Lai rạch xương sống nó chui ra, toan giết chết thì chư Phật đều khuyên can, giết nó cũng như giết mẹ mình. Như Lai sau đó phong cho Khổng tước là Phật Mẫu. Vì vậy, luận vai vế, Đại bàng được xem là cậu của Như Lai.

Kim Sí Điểu được khắc họa trong nhiều tư thế khác nhau.
Kim Sí Điểu được khắc họa trong nhiều tư thế khác nhau.

Hành trình tìm hiểu Kim Sí Điểu đã làm sang tỏ khá nhiều điều, từ một loài vật có sức mạnh vô song có hình dáng kì lạ trong Hindu giáo, Kim Sí Điểu đã đi vào kinh điển của đạo Phật và trở thành một vị thần hộ pháp.

Sự ác có thể được chuyển hóa thành sự lành, sự xấu xa có thể được chuyển hóa thành thánh thiện. Lòng từ bi của Đức Phật có những lúc tưởng như đi ngược với logic tư duy của con người, thế nhưng một giây phút nào đó khi đã thấy mệt mỏi với những bế tắc và hiềm khích bởi những đua tranh trong cuộc đời, ta sẽ nhận ra long từ bi của Đức Phật lại là giải pháp khôn ngoan.

Nếu như ai cũng áp dụng hành động của ngài, bao dung với người khác dù đó là kẻ thù của mình thì thế giới sẽ tràn ngập trong tình yêu thương và một nền hòa bình đích thực

Hình ảnh hai con rồng hướng về quả cầu lửa có ý nghĩ gì?

Hình ảnh này còn có tên gọi khác là Lưỡng Long Chầu Nguyệt. Có lẽ ít ai biết ý nghĩa của hình ảnh đôi rồng hướng về quả cầu lửa trên nóc các đình, chùa.

Trong văn hóa của người Việt Nam, rồng luôn ở vị trí tối thượng, thể hiện cho quyền uy, sức mạnh tuyệt đối của các đấng Thiên Tử. Rồng cũng đứng đầu trong tứ linh “Long, ly, quy, phụng”.

Trong văn hóa của người Việt Nam, Rồng luôn ở vị trí tối thượng, thể hiện quyền uy sức mạnh của các Thiên tử. Ảnh: internet.
Trong văn hóa của người Việt Nam, Rồng luôn ở vị trí tối thượng, thể hiện quyền uy sức mạnh của các Thiên tử. Ảnh: internet.

Dân tộc ta cũng có nhiều truyền thuyết về Rồng bởi nó gắn liền với mây, mưa, với việc trồng lúa nước, với sự tích “Con Rồng Cháu Tiên”…

Hình ảnh con rồng đã dần dần ǎn sâu vào tâm thức của người Việt. Nhiều nơi ở dải đất hình chữ S cũng có những địa danh gắn với linh vật này như Hà Nội là thủ đô cả nước, với tên gọi đầu tiên Thăng Long ( tức Rồng bay); Vùng Đông Bắc nước ta có Hạ Long (tức Rồng hạ) là một trong những thắng cảnh đẹp nhất cả nước hay Đồng bằng Nam Bộ phì nhiêu được làm nên bởi dòng sông mang tên Cửu Long ( tức Chín rồng).

Rồng không những là biểu tượng cho xuất xứ nòi giống dân tộc Việt Nam, mà còn là thần linh, chủ của nguồn nước, mang lại sức sống mãnh liệt, làm cho mùa màng tốt tươi.

Rồng cũng là biểu tượng của sức mạnh, chính vì vậy, các vua chúa đã lấy hình tượng rồng đại diện cho uy lực triều đình. Thời Lê, rồng trở thành bản mệnh của nhà vua và hình tượng rồng được thêu lên tấm áo vua mặc.

Hình ảnh đôi rồng hướng về quả cầu lửa luôn xuất hiện trên các nóc đình, chùa. Ảnh: internet.
Hình ảnh đôi rồng hướng về quả cầu lửa luôn xuất hiện trên các nóc đình, chùa. Ảnh: internet.

Xoay quanh hình ảnh hai con rồng hướng về quả cầu lửa chính giữa xuất hiện trên các nóc đình, chùa đã từng một thời gây tranh cãi gáy gắt trong giới khoa học. Đa số ý kiến đều cho rằng đó là hình tượng “lưỡng long chầu nguyệt”, biểu tượng cho sự cát tường của người Việt.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh thì đôi rồng hướng về “quả cầu lửa” không phải là “Lưỡng long chầu nguyệt”. Có thể gọi đó là “Lưỡng long tranh châu” chính xác hơn.

Theo ông giải thích, con rồng là biểu tượng của sức mạnh vũ trụ mà cụ thể là hai lực tương tác Âm – Dương. Khi thể hiện hai con rồng thì không con nào ngậm châu cả. Vì sao? Vì hình tượng hai con rồng là biểu tượng lực Âm – Dương cân bằng, hạt châu lại là biểu tượng của Thái cực, là biểu tượng của vũ trụ.

Nếu hai con rồng đều ngậm châu thì đó là hình ảnh sai lầm do người làm ra thiếu hiểu biết hoặc rập khuôn theo mô-típ chung. Bởi không thể có hai vũ trụ, chỉ khi thể hiện một con rồng – tức là một âm (hoặc một dương) thì mới ngậm châu. Đây chính là biểu tượng của một trong hai thế lực âm (hoặc dương) đang chi phối vũ trụ (âm thịnh thì dương suy hoặc ngược lại).

Hình ảnh này từng gây nhiều tranh cãi trong giới khoa học bởi những thuật ngữ tồn tại xung quanh nó. Ảnh: internet.
Hình ảnh này từng gây nhiều tranh cãi trong giới khoa học bởi những thuật ngữ tồn tại xung quanh nó. Ảnh: internet.

Ông Tuấn Anh cũng lưu ý, thuật ngữ “Lưỡng long chầu nguyệt” rất có thể bắt nguồn từ “lý ngư vọng nguyệt” (cá chép ngóng về mặt trăng, tất nhiên mặt trăng ở đây là cái bóng dưới nước).

Tuy nhiên, thuật ngữ “Lưỡng long chầu nguyệt” xuất hiện ngay từ những năm 1930. Trong một cuốn sách nghiên cứu về văn hoá dân gian Việt Nam của nhà nghiên cứu Việt Nam học người Pháp là Le Brenton đã đề cập đến thuật ngữ này một cách rõ ràng. Trong đó, ông cho rằng, hình ảnh “Lưỡng long chầu nguyệt” là có thật và nó bị lai tạo hình ảnh rồng và tính đặc trưng trong quan niệm của người Trung Hoa.

Và ngay trên các mái đình, đền, chùa, miếu, hình ảnh “Lưỡng long chầu nguyệt” cũng được thể hiện với đặc điểm là “đuôi chổng lên, đầu chúc xuống, mắt ngước lên nhìn mặt trăng với ý nghĩa thuần phục”. Đó là biểu tượng cho tâm linh thần phục thánh thần.

Hình ảnh “Lưỡng long chầu nguyệt” đích thực theo khảo sát của các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, hiện tại còn rất ít nếu không muốn nói là cực hiếm. Cho nên, nhiều người lầm tưởng hình ảnh giữa “Lưỡng long chầu nguyệt” và “Lưỡng long tranh châu” là điều khó tránh khỏi

Hình ảnh linh thú trên đầu đao ở mái chùa có ý nghĩa gì?

Hình ảnh con vật được đắp trên mái chùa Một Cột có tên gọi và ý nghĩa gì? Hãy cùng Pháp Luật Plus khám phá điều bí ẩn này.

Theo TS Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho rằng hình ảnh linh thú xuất hiện trên đầu đao mái chùa ở các công trình kiến trúc cổ tôn nghiêm như : Chùa Một Cột, nhà Bát Giác ở chùa Láng, đình làng Mông Phụ (Đường Lâm)… đó là Xi Vẫn.

Hình ảnh Xi Vẫn trên đầu đao mái chùa. Ảnh: internet.
Hình ảnh Xi Vẫn trên đầu đao mái chùa. Ảnh: internet.

Xi Vẫn là một từ Hán Việt có ý nghĩa như sau: “Xi” là đuôi con chim si (đuôi cá biển), “Vẫn” là long vẫn tức là miệng rồng hoặc đầu rồng. Xi Vẫn là hình ảnh kết hợp giữa đuôi con cá và miệng con rồng.

Xi Vẫn là một trong những con của rồng. Theo truyền thuyết kể lại, rồng sinh ra chín con nhưng không con nào trở thành rồng cả. Chín con rồng được gọi bằng những cái tên khác nhau là Bị Hí, Xi Vẫn, Bồ Lao, Bệ Ngạn, Thao Thiết, Công Phúc… Xi Vẫn là con thứ hai mang hình dáng đầu rồng đuôi cá và thường được đắp trên đầu đình, mái nhà, công trình kiến trúc cổ…

Nguồn gốc của Xi Vẫn là hình tượng của văn hóa Trung Quốc vay mượn từ văn hóa Ấn Độ từ hình ảnh loài thú huyền thoại makara (loài thú này mang biểu tượng của nước, có hình đầu thú như: đầu voi, đầu cá sấu.., phần sau là đuôi cá, cũng có khi là đuôi công trống. Makara là vật cưỡi của Ganga – chúa tể sông Hằng và Varuna – chúa tể biển cả).

Hình ảnh Makara Ân Độ. Ảnh: Robert Beer.
Hình ảnh Makara Ân Độ. Ảnh: Robert Beer.
Makara hình cá sấu, vật cưỡi của thần Varuna. Nguồn: Tranh Ấn Độ.
Makara hình cá sấu, vật cưỡi của thần Varuna. Nguồn: Tranh Ấn Độ.

Trong bài thơ Diên Hựu Tự của Trúc Lâm đệ tam tổ – Thiền sư Huyền Quang (1254 -1334), cũng có viết về hình tượng Xi vẫn như sau:

Xi vẫn đảo miên phương kính lãnh

Tháp quang song trĩ ngọc tiêm hàn

(Hình xi vẫn ngủ ngược trên gương nước lạnh)

Đôi bóng tháp thon vút như ngón tay ngọc giá băng)

Biểu tượng Xi Vẫn có những chuyển biến khác nhau ở từng thời kỳ. Thời Lý – Trần, Xi Vẫn được đặc tả ở râu, bờm, lưỡi và không có thân hay đuôi; miệng không há to dữ dằn như ở Trung Hoa mà luôn ngậm một viên hỏa châu.

Phong cách mỹ thuật duyên dáng, tinh tế ấy phần nào thể hiện tài hoa của con người Đại Việt vào thời kỳ đó. Xi Vẫn thời Lê chịu ảnh hưởng của phong cách nhà Minh.

Hình ảnh Xi Vẫn trên mái Chùa Một Cột. Ảnh: internet.
Hình ảnh Xi Vẫn trên mái Chùa Một Cột. Ảnh: internet.

Đến thời nhà Nguyễn, Xi Vẫn đã được “long hóa”, hoặc “thú hóa” để trở thành hình tượng con vật đầu rồng, có bốn chân với móng vuốt sắc nhọn, đôi khi có những vầng mây tỏa ra từ thân và đuôi.

Lý giải về ý nghĩa của hình ảnh Xi Vẫn, có một truyền thuyết mà trong sách Thái bình ngự lãm của Lí Phường đời Bắc Tống có ghi chép và kể lại rằng: “Vào đời Hán, sau khi điện Bách Lương bị hỏa hoạn, có người thầy mo đất Việt nói rằng: Ngoài biển có con Ngư cù (rồng cá), đuôi giống đuôi con si (cú), đập sóng mà làm mưa. Vua Hán Vũ Đế bèn tạc tượng con thú ấy để yểm hỏa tai.”

Đình làng Mông Phụ ở làng cổ Đường Lâm cũng được trang trí hình ảnh Xi Vẫn trên mái chùa.Ảnh: internet.
Đình làng Mông Phụ ở làng cổ Đường Lâm cũng được trang trí hình ảnh Xi Vẫn trên mái chùa.Ảnh: internet.

TS Trần Trọng Dương cũng chia sẻ về hình ảnh Xi Vẫn như sau: “Ở các ngôi đình, đền, miếu… thường được dựng bằng gỗ nên hỏa hoạn rất dễ xảy ra, mà Xi Vẫn theo truyền thuyết lại là con vật có khả năng phun mưa. Vì thế, người xưa cho rằng đắp Xi Vẫn trên các công trình gỗ đó có ý nghĩa tránh hỏa tai. Bởi vậy, Xi Vẫn thường được đắp trên các công trình kiến trúc lớn, có ý nghĩa tôn giáo như đền, miếu, đình… “

Mỗi một hình tượng trong văn hóa Việt Nam đều mang những lớp ý nghĩa biểu tượng khác nhau, đó có thể là một sáng tạo bản địa hay là sản phẩm của sự giao thoa, tiếp xúc giữa các nền văn hóa. Và Xi Vẫn ở Việt Nam chính là biểu tượng của thần nước từ văn hóa Ấn Độ và thần trừ hỏa tai có nguồn gốc Trung Hoa

Ý nghĩa biểu tượng của con nghê

Con nghê đã trở nên rất đỗi thân quen trong đời sống tinh thần người Việt. Con Nghê hiện hữu trên các kiến trúc cung đình thời Lý – Trần, trên đình chùa thời Lê, trên bàn thờ tư gia của nhiều gia đình người Việt ngay trong giai đoạn hiện tại.

goài ra, nguời ta cũng bắt gặp những con nghê ở trên các cổng làng, cổng xóm có khi cũng ở ngay trên cổng nhà, cổng chùa, trên lan can tay vịn các dinh thự, cung điện.Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về nguồn gốc cũng như ý nghĩa của những chú Nghê này.

Theo truyền thuyết thì trong đời sống của người dân Việt, hai con thú được coi như những người bạn thân thiết, gần gũi và quan trọng nhất là con trâu và con chó. Trâu để cầy ruộng, giúp sản xuất lúa gạo, chó để giữ nhà, phòng kẻ gian, phòng thú dữ.

Đời sống thực tế đã có chó giữ nhà, nên để bầy trước điện thờ, hay bàn thờ tổ tiên, ông cha ta đã dùng ngay hình ảnh con chó đá để thờ với mong muốn để xua đuổi tà ma,con chó đá được hóa linh, và vì linh thiêng như thế nên nó được gọi là con Nghê. Chúng được khắc đẽo với những chi tiết oai vệ, đầu chó, mặt chó đầy những nét oai nghiêm.

Hình ảnh con Nghê uy nghiêm đứng trước cửa miếu.
Hình ảnh con Nghê uy nghiêm đứng trước cửa miếu.

Ở làng quê miền Bắc Việt Nam, trước cổng làng bao giờ cũng có một con chó đá để bảo vệ cả làng, trước cổng đình bao giờ cũng có chó đá, và trước cổng nhà hay ở ngoài đầu hồi, ngoài cửa nhà cũng thường có chó đá ngồi trước canh giữ cho gia chủ.

Những con chó đá này hình dạng thay đổi, cao khoảng từ nửa thước tới một thước, thường là những tảng đá được khắc đẽo rõ ràng oai vệ, nhưng có khi chỉ là một khối đá đặt nghiêng theo dáng một con chó đang ở thế ngồi canh giữ. (Truyện cổ cũng thường nhắc đến chó đá, như chuyện “Cậu học trò và con chó đá”, chuyện “Hai anh em và con chó đá” – Xin đọc: Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Truyện cổ nước Nam).

Nghê là một trong những linh vật phổ biến trong không gian tín ngưỡng của người Việt xưa.
Nghê là một trong những linh vật phổ biến trong không gian tín ngưỡng của người Việt xưa.

Theo nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế (Đại học Mỹ thuật Hà Nội) giải thích rằng: “Nghê là một trong những linh vật phổ biến trong không gian tín ngưỡng của người Việt xưa. Nó xuất hiện từ rất sớm. Trong các văn bia thời Lý lưu giữ được đến nay đã thấy xuất hiện hình tượng con nghê trên đó. Nó tồn tại trong tâm thức của người Việt, thể hiện bàn tay khéo léo cũng như óc sáng tạo của các nghệ nhân Việt Nam. Từ nghiên cứu theo diện hẹp của tôi ở đền Vua Đinh, Vua Lê thì nghê có dạng thức của chó là nhiều nhất. Về cơ bản con nghê có thân hình của chó, đầu sư tử hoặc đầu rồng.

Ở Việt Nam con nghê có hai chức năng cơ bản là sự chào đón với sắc thái hoan hỉ hoặc tạo ra sự thương cảm, cho nên nó rất hiền hòa, không dữ tợn.

Con nghê tuy là con vật truyền thuyết được hư cáu từ loài chó nhưng rất gắn bó với người Việt.
Con nghê tuy là con vật truyền thuyết được hư cáu từ loài chó nhưng rất gắn bó với người Việt.

Con nghê tuy là một con vật truyền thuyết được hư cấu từ loài chó nhưng rất gắn bó với người Việt. Những con nghê nhỏ bé phù hợp với vóc dáng, tâm sinh lý của người Việt. Trong hệ thống lăng tẩm, sinh từ, đền miếu của người Việt tuy có nhiều con thú nhưng con nghê trở thành một linh vật thân thiết và trìu mến nhất. Vậy nên con Nghê được nhiều người cho rằng là một linh vật thuần Việt, được sáng tạo để bảo vệ đời sống tâm linh của người Việt.

Vậy con nghê có được coi là linh vật thuần Việt? Với câu hỏi này, TS Đinh Hồng Hải – Viện Nghiên cứu Văn hóa – cho rằng: “Con nghê là linh vật tồn tại liên tục trong suốt dòng chảy văn hóa Việt hàng nghìn năm qua. Thế nhưng, từ khi văn hóa Trung Hoa thâm nhập vào Việt Nam, cộng với yếu tố văn hóa dân gian của người Việt thì những linh vật đang được thờ trong văn hóa bản địa của người Việt như con chó đá đã bị ảnh hưởng bởi các linh vật ngoại lai như sư tử hay kỳ lân và nó cho ra hình tượng con nghê. Vì vậy, không nên gọi nghê là linh vật thuần Việt mà chỉ nên gọi là linh vật Việt. Tuy vậy, từ linh vật thuần Việt gần đây rất hay được báo chí, truyền thông sử dụng để chỉ con nghê”.

Nên gọi nghê là linh vật Việt chứ không phải là thuần Việt.
Nên gọi nghê là linh vật Việt chứ không phải là thuần Việt.

Và trong nghiên cứu về hình ảnh con nghê của mình, TS cũng từng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc tìm hiểu hình tượng linh vật Việt giữa sự du nhập của rất nhiều linh vật ngoại lai như sau: “Sự tăng cường hiểu biết của chúng ta đối với các giá trị, đặc biệt là các giá trị nghệ thuật, của con Nghêlà hết sức cần thiết. Mong rằng, các cơ quan, ban ngành chức năng, các bậc thức giả, các nhà quản lý đặt mối quan tâm đặc biệt đối với biểu tượng này, coi đó như là một cách giải Hán hay thoát Trung đang được bàn luận sôi nổi trong thời gian gần đây.”

Án oan kinh hoàng đằng sau pho tượng bí ẩn “miệng cắn thân, chân xé mình”

Pho tượng “miệng cắn thân, chân xé mình” nằm trong cụm di tích chùa Bảo Tháp – Đền Thái sư Lê Văn Thịnh, được xây dựng vào thời Hậu Lê, tọa lạc ở sườn nam của núi Thiên Thai, thuộc xóm Chùa, thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh).

Pho tượng này được phát hiện vào năm 1991, đây là tác phẩm nghệ thuật hiếm thấy, với hình dáng kỳ dị bởi tượng rồng trong tư thế “miệng cắn thân, chân xé mình”.

Nguồn gốc của pho tượng này trong hồ sơ của tỉnh Bắc Ninh có ghi: “Tượng rồng được tìm thấy trong khuôn viên nơi từng là tư gia của thái sư Lê Văn Thịnh, người đỗ trạng nguyên khoa thi đầu tiên của nhà Lý năm 1075, nên nhiều người cho rằng tượng chính là nơi gửi gắm những tâm sự về nỗi oan khiên mà thái sư Lê Văn Thịnh đã phải chịu trong vụ án trên hồ Dâm Đàm (Hồ Tây) đời vua Lý Nhân Tông”.

Tượng rồng là khối sa thạch tạc thú lớn, có vảy rồng, nặng khoảng 3 tấn, cao 72cm, rộng 137cm, trong tư thế nằm cuộn khúc, đầu chầu phục, miệng ngoạm thân, như một loài “thuỷ quái”.

Pho tượng rồng kì lạ trong tư thế
Pho tượng rồng kì lạ trong tư thế “miệng cắn thân, chân xé mình” ở Bắc Ninh.

Đầu rồng lớn, không râu, không bờm, hơi gục xuống, đôi mắt lồi ra ngoài, trợn tròn, hai tai nổi lên hai bên đầu nhưng tai phải thì kín đặc còn tai trái lại trống rỗng, hai mang phình ra như dáng dấp của một con mãng xà lớn đang tột đỉnh giận giữ.

Thân rồng tựa trăn và rắn uốn mình thành hình tròn, miệng há rộng, những chiếc răng nanh dài nhọn hoắt cắm phập vào thân mình. Hai chân trước gân guốc, dang rộng, mỗi chân xòe ra 5 móng vuốt sắc nhọn bấu chặt lấy thân như đang cào xé chính mình. Pho tượng thể hiện một trạng thái sống động, đau đớn, quằn quại, bi thương, phẫn uất đến cùng cực.

Những luồng ý kiến khác nhau xoay quanh ý nghĩa của pho tượng kỳ lạ

Có ý kiến cho rằng, pho tượng biểu thị sự hối hận của vua Lý Nhân Tông. Tượng rồng có đôi tai, thì một bên lành, một bên bị bịt kín. Điều này biểu thị việc vua Lý nghe lời xiểm nịnh của gian thần.

Việc rồng tự cắn thân, xé mình thể hiện cho việc đau lòng khi gây ra nỗi oan trái của Lý Nhân Tông với người thầy của mình là Lê Văn Thịnh. Rồng tượng trưng cho vua, nên lý giải này không phải không có lý.

Pho tượng rồng cắn thân, chăn xé mình thể hiện sự xám hối của vua Lý Nhân Tông trong vụ án hồ Dâm Đàm.
Pho tượng rồng cắn thân, chăn xé mình thể hiện sự xám hối của vua Lý Nhân Tông trong vụ án hồ Dâm Đàm.

Luồng ý kiến khác cho rằng pho tượng chỉ là một lá bùa để cầu mưa thuận gió hòa, giống như tượng rồng đặt dưới giếng ở chùa Phật Tích mà thôi.

Nhưng phần lớn ý kiến vẫn tin rằng, pho tượng đặc biệt, vừa giống rồng, lại vừa giống rắn này là biểu thị cho nỗi oan trái của Thái sư Lê Văn Thịnh, bị triều đình ghép tội “hóa hổ giết vua”.

Bàn về vấn đề này, PGS.TS Phạm Xanh (Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử cận hiện đại VN, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Theo tôi thông điệp của bức tượng này là sự xám hối của Vua Lý Nhân Tông trong vụ án hồ Dâm Đàm. Các nghệ nhân muốn gợi lại cho thế hệ mai sau về sự xám hối của một người đứng đầu xã tắc lúc bấy giờ là vua Lý Nhân Tông, về việc trù dập một người tài có thể nói là nằm trong bộ Nho học đầu tiên của lịch sử các khoa thi cử năm 1075”

Truyền thuyết án oan trên hồ Dâm Đàm

“Vụ án hồ Dâm Đàm” là một vụ án nổi tiếng trong lịch sử nước nhà, được chính sử ghi chép tỉ mỉ, chi tiết.

Chuyện rằng, Lê Văn Thịnh thông minh uyên bác, đỗ thủ khoa của khoa thi Minh kinh bác học thời Lý (1075), là khoa thi đầu tiên khi đó của nước nhà, cũng là khoa thi đầu tiên của Văn miếu Quốc Tử Giám ở Thăng Long. Vì đỗ thủ khoa, nên ông được coi là vị “trạng nguyên” đầu tiên của Việt Nam, còn danh hiệu trạng nguyên thực sự thì đến đời Trần Thái Tông (1246) mới có.

Trạng nguyên” Lê Văn Thịnh được mời vào dạy học cho vua, sau giữ chức Thị Lang Bộ Binh, rồi lên tới chức Thái sư, tột đỉnh vinh quang trong triều. Thế nhưng, vào đúng lúc đỉnh cao sự nghiệp, ông bị vu tội “hóa hổ giết vua”, vào năm 1096. Vì ông có tư tưởng đổi mới, liêm chính, nên bị lắm kẻ xiểm nịnh, tìm cách hãm hại, song cũng nhiều người ủng hộ, bảo vệ ông.

Vụ án hồ Dâm Đàm liên quan đến Thái sư Lê Văn Thịnh bị hàm oan trong suốt một thời gian dài.
Vụ án hồ Dâm Đàm liên quan đến Thái sư Lê Văn Thịnh bị hàm oan trong suốt một thời gian dài.

Truyền thuyết người dân trong làng kể rằng, trong buổi luận tội Lê Văn Thịnh, các quan thù ghét đều đưa ra quan điểm chặt đầu ông. Tội giết vua phải chu di cửu tộc, xưa nay vẫn thế. Một vị quan văn hỏi: “Tội giết vua thì chu di cửu tộc, nhưng tội giết thầy thì xử thế nào?”. Vua Lý Nhân Tông, là học trò của Lê Văn Thịnh, nghe thế thì miễn tội chết, cho đi đày ở Thao Giang, vùng đất thuộc Phú Thọ ngày nay.

Đại Việt sử ký toàn thư chép về vụ án “hóa hổ giết vua”, có đoạn như sau: “Bấy giờ vua ra hồ Dâm Đàm, ngự trên thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt, nói: “Việc nguy rồi!”.

Người đánh cá là Mục Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang. Trước đấy Lê Văn Thịnh có gia nô người nước Đại Lý (vùng Vân Nam, Trung Quốc) có phép thuật kỳ lạ, cho nên mượn thuật ấy toan làm chuyện thí nghịch”.

Đấy là chính sử chép thế, nhưng trong làng Bảo Tháp, các cụ xưa đã truyền khẩu một câu chuyện như sau: Thái sư Lê Văn Thịnh được cử sang Trung Quốc học tập, tiếp thu tinh hoa nước bạn. Ông được một thầy giỏi đào tạo. Khi về nước, thầy nhìn trò bảo: “Con là học trò xuất sắc nhưng khi về nước con sẽ gặp họa”.

Nói rồi, ông tặng trò Thịnh chiếc áo kỳ lạ để phòng thân. Mỗi khi mặc chiếc áo đó vào, trông ông dữ tợn như hổ, không ai dám bắt nạt, cướp nhìn thấy chạy xa. Chính vì ông có chiếc áo kỳ lạ đó, lại có nhiều kẻ nịnh thần trong triều oán ghét, nên mới bịa ra chuyện Thái sư Lê Văn Thịnh hóa hổ giết vua, gây nên sự hàm oan lớn.

Thái sư Lê Văn Thịnh được giải oan bởi một pho tượng kì lạ

Dù chính sử ghi chép tội đồ của Thái sư Lê Văn Thịnh, nhưng người dân trong vùng vẫn nhất nhất tin ông vô tội. Ông đã bị sự ti tiện của đám gian tham hãm hại. Việc ai đó tạc một pho tượng thân rắn, nhưng tư thế và móng vuốt của rồng, tự cắn xé thân mình, rồi chôn xuống đất, nơi là nhà ông ở, rồi là đền thờ ông, đã thể hiện rõ niềm tin vô tội của ông.

Miếu Xà Thần nơi thờ pho tượng
Miếu Xà Thần nơi thờ pho tượng “miệng cắn thân xé mình”.

Không biết do vô tình hay ý trời, nhưng vào đúng cái thời điểm người dân vác đơn đi kiện cho nỗi oan khiên của ông Thành Hoàng Làng, thì pho tượng rồng kỳ lạ đã phát lộ sau 900 năm nằm dưới lòng đất.

Ngay thời điểm đó, Nhà nước đã mở các cuộc hội thảo ghi nhận công lao của Thái sư Lê Văn Thịnh, xóa bỏ hoàn toàn những xuyên tạc về ông trong lịch sử. Và cũng gần như ngay lập tức, đền thờ vị thái sư này được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia.

Để tưởng nhớ công ơn của Trạng nguyên Lê Văn Thịnh, hàng năm, nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội vào ngày 7 tháng Giêng (âm lịch). Ngoài ra, vào các ngày từ mồng 5-7/2 (âm lịch) hàng năm diễn ra lễ hội “Thập đình”, là lễ hội của 10 làng cùng tôn Trạng Nguyên Lê Văn Thịnh làm Thành Hoàng Làng.

Hình tượng rắn trong tín ngưỡng người Việt

Tục thờ rắn rất phổ biến trong tín ngưỡng của người dân Bắc Bộ. Tuy nhiên không phải ai cũng biết ý nghĩa đằng sau biểu tượng này.

Rắn và tục thờ thủy thần

Con rắn là một trong những biểu tượng thần thoại lâu đời nhất và phổ biến nhất của thế giới loài người. Trong văn hóa dân gian người Việt, tục lệ thờ rắn là một tín ngưỡng nguyên thủy mang hai ý nghĩa: thủy thần và vật tổ.

Tục thờ rắn rất phổ biến trong tín ngưỡng của người dân đồng bằng Bắc Bộ. Có thể tìm thấy các đền thờ thần rắn dọc theo sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống và qua các di tích, lễ hội như Thần tích và hội làng Linh Đàm thờ vị thủy thần Bảo Ninh.

Đền thờ thần rắn ở Thanh Hóa.
Đền thờ thần rắn ở Thanh Hóa.

Từ những tượng phật Thích ca Cửu Long, đền thờ thần rắn, đền thờ thủy thần, đền thờ Mẫu đến các đền thờ thần Linh Lang…biểu tượng rắn đều linh thiêng và có phần bí ẩn.

Ở mỗi một hình thức thể hiện của rắn, hoặc với mỗi một biến thể, hình tượng rắn đều mang những ý nghĩa nhất định. Có thể tìm thấy điều này trong các câu truyện cổ tích, huyền thoại, phong tục tập quán, văn học nghệ thuật, mỹ thuật, tạo hình…

Thần Linh Lang là một hiện thân nhiều ý nghĩa nhất của thần rắn.
Thần Linh Lang là một hiện thân nhiều ý nghĩa nhất của thần rắn.

Hình dạng và đặc điểm di chuyển của loài rắn là cơ sở để người xưa hình dung và đồng nhất rắn với những con sông, nguồn nước.

Có thể thấy, thờ thần rắn là một hình tượng tiêu biểu và cơ bản nhất của tục thờ thủy thần. Đây là lớp văn hóa sớm nhất của người Việt cổ khi từ vùng núi xuống chinh phục đồng bằng. Về sau, các vị thần rắn, thủy thần được nhân cách hóa, lịch sử hóa. Từ đây, thần rắn được cung cấp những lí lịch cụ thể khác nhau mang tên người tên đất khác nhau.

Thần rắn không chỉ là vị thần để người dân xin mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mà con trở thành những vị anh hùng đánh giặc cứu nước. Và thần Linh Lang chính là một hiện thân nhiều ý nghĩa nhất của thần rắn.

Rắn trong tín ngưỡng thờ mẫu

Theo TS Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết việc thờ rắn còn thể hiện tín ngưỡng thờ mẫu, hình tượng đó được thể hiện trong các phủ, miếu. Hình tượng rắn được thể hiện trên các thân xà.

Ở đây, thứ nhất: rắn đồng thời là vị thần cai quản các miền thiên giới cùng với các vị mẫu.

Thứ hai: thần rắn đồng thời là sự hiện diện chức năng và thiên chức của các vị mẫu này là sinh tạo ra thế giới và cai quản thế giới, là nguồn tài lộc ban phát cho muôn loài, dân sinh. Bởi vậy, hình tượng rắn và mẫu ở đây được lồng ghép với nhau và có chức năng đa tầng như vậy.

Rắn trong đạo giáo và tín ngưỡng phồn thực của người Việt Nam

Trong đạo giáo, hình tượng rắn thể hiện rõ nhất ở pho tượng Huyền Thiên Chấn Vũ với một tay cầm thanh kiếm chống trên lưng rùa, xung quanh thanh kiếm rắn quấn quanh hay còn gọi là hình tượng “Quy xà nhị tướng trong đạo giáo”.

Xung quanh hình tượng này còn có rât nhiều điều bí ẩn, dân gian có câu chuyện kể rằng, khi thần Trấn Vũ tu luyện trên núi Võ Đam được 7 ngày thì ruột kêu réo vì lâu không được ăn uống, thần thấy những ham muốn đó ảnh hưởng đến việc tu luyện của mình nên liền vứt ruột và dạ dày ra ngoài để tiếp tục tu luyện.

Trong 7 ngày tiếp theo đó, ruột và dạ dày của thần vẫn nằm trên vệ cỏ, chúng học được cách tu luyện nên biến thành yêu quái rùa và rắn. Khi thần Trấn Vũ về trời, yêu quái rùa và rắn liền hãm hại người dân, vì vậy thần quay lại nhân gian để thu phục rắn rùa, thành 2 viên tướng dưới chướng.

Tượng Huyền Thiên Chấn Vũ.
Tượng Huyền Thiên Chấn Vũ.

Hình tượng rắn ở trong đạo giáo được coi là sự chiến thắng không chỉ đối với tự nhiên mà còn chiến thắng chính bản thân mình. Đây là hình tượng mang tính huyền thoại của đạo giáo.

Trong tín ngưỡng phồn thực, hình tượng rắn ở đây đã được giải thiêng và thế tục hóa, ta có thể thấy những hình tượng chạm khắc trai gái cầm rắn chơi đùa trên kiến trúc đình Long Viên ở Hà Nội. Hình tượng rắn ở đây lại biểu trưng cho sự sinh sôi, nảy nở.

Hoặc ở đình Thụ Đạo còn có hình ảnh một ông lão ngồi cạnh một thiếu nữ thanh tân, phía sau có con rắn trườn qua. Nhìn chung những hoàn cảnh có rắn đều rất vui tươi, sống động, mang đậm tính phồn thực.

Kết

Rắn – con vật vốn mang trong mình nhiều khả năng đặc biệt và luôn tiềm ẩn những sức mạnh đe dọa, nhưng con người đã chứng minh được rằng, cho dù có khó khăn đến đâu, nhưng bằng sức mạnh và trí tuệ họ có thể chiến thắng bất kì khó khăn nào.

0 ( 0 bình chọn )

Cộng Đồng Đánh Giá

https://congdongdanhgia.com
Cộng Đồng Đánh Giá toàn diện các dịch vụ, sản phẩm, địa điểm.. Cam kết trung thực khách quan. Đặt lợi ích người đọc lên trên hết

Ý kiến bạn đọc (0)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bài Viết Liên Quan