Blog

Tập tục cúng mụ và lễ đầy tháng cho trẻ

Khám phá nét văn hóa Tập tục cúng mụ và lễ đầy tháng cho trẻ
3212

Thời xưa sau khi sinh con, người ta đều cho sản phụ nằm ở trong buồng kín gió, ít khi dùng đèn sáng và giữ cho yên tĩnh. Dưới gậm giường bao giờ cũng để một chậu than hồng cho ấm áp. Nhiều gia đình kiêng kỵ ngăn không cho người lạ vào thăm vì sợ người vía dữ. Nếu không may có trường hợp không ngăn kịp người vào thăm, mà trẻ khóc đêm, hoặc bú vào lại trớ ra thì người ta phải “đốt vía”. Thường “đốt vía” bằng cách lấy một vài tờ giấy đốt cháy rồi nhảy qua nhảy lại ở cửa buồng, có khi còn nói một câu lẩm nhẩm trong miệng: “Vía lành thì ở, vía dữ thì đi”. Mặt khác, thắp hương khấn thần linh, thổ công, thổ địa, ông bà ông vải phù hộ cho cháu tai qua nạn khỏi.

Nhiều địa phương ở miền Bắc vẫn dùng một cành xương rồng gai buộc ở cửa buồng để tránh tà ma, quỷ quái quấy nhiễu cháu bé.

Tập tục cúng mụ và lễ đầy tháng cho trẻ
Tập tục cúng mụ và lễ đầy tháng cho trẻ

Việc chăm sóc trẻ sơ sinh là cực kỳ quan trọng. Đối với bé sơ sinh thì việc ăn, ngủ và vệ sinh đầy đủ cho bé được đặt lên hàng đầu. Từ xưa dân ta đã nhận thức rằng: Sữa mẹ là thức ăn thiên nhiên đầy đủ, lý tương nhất của bé. Nuôi con bằng sữa mẹ là chính. Vì rằng trong sữa mẹ có acid amin (tạo tế bào), có chất sắt (tạo huyết cầu tố), có những men đặc biệt giúp tiêu hoá, có các kháng thể chống bệnh tật, có các sinh tố tươi… cần thiết cho trẻ sơ sinh.

Xem thêm :  Phong tục cưới hỏi của người Việt

Để cho người mẹ có nhiều sữa đáp ứng nhu cầu cho đứa con bé bỏng của mình, người ta thường hầm móng giò với gạo nếp (có thể thêm hạt sen và hạt ý dĩ cho lành và dễ ngủ) ăn xen kẽ vào các bữa cơm chính.

Lúc mới sinh con, để cho tuyến sữa của người mẹ thông suốt, người ta thường phải lấy tay day nhẹ vào vú và cho trẻ sơ sinh bú dần dần để kích thích các tuyến sữa chảy đều. Có những lúc trẻ sơ sinh không bú kịp, người mẹ bị căng sữa, thường phải nhờ các em bé lớn hơn một chút bú giúp để cho tuyến sữa thông đều (người ta tránh dùng tay nặn sữa ra, vì làm như vậy vừa đau mà lại không hợp tự nhiên).

Ở cữ là gì?

Dân ta vẫn có phong tục là sau khi đầy cữ em bé thì mới đến “thăm mừng”. Tuy nhiên, đối với những gia đình buôn bán thì còn kiêng kỵ đến hết tháng.

Cữ là một định lượng thời gian: 7 ngày đối với bé trai, 9 ngày đối với bé gái (bé ra đời đủ thời gian trên gọi là “đầy cữ”), sở dĩ tính như vậy vì dân ta quan niệm mỗi con người đều có hồn và vía. Ai cũng có 3 hồn: nam và nữ đều giống nhau, nhưng vía thì khác: nam có 7 vía, nữ có 9 vía.

Cúng Mụ để tạ ơn Bà Mụ

Người xưa tin rằng hình hài của thai nhi là do Bà Mụ nặn thành. Vì thế nên khi sinh con trai được 7 ngày, con gái được 9 ngày, người ta làm lễ đầy cữ (lễ cúng Mụ) để tạ ơn Bà Mụ.

Theo tục truyền thì con người hình thành là do các Bà Mụ nặn. Cơ thể con người do 12 Bà Mụ nặn ra, do đó lễ vật khi dâng cúng cũng phải đủ 12 xuất cho 12 Bà Mụ. Ví dụ: 12 bộ quần áo, 12 đôi hài, 12 cái mũ, 12 trái cây, 12 chiếc bánh, 12 nén hương, 12 bông hoa, 12 miếng trầu…

Theo quan niệm cổ xưa của dân ta, con người do tạo hoá sinh ra, ai cũng có 7 lỗ (thất khiếu) để hấp thụ vật chất, tinh thần mà trưởng thành. Bảy lỗ đó là: 2 mắt, 2 tai, 2 lỗ mũi và 1 mồm. Đàn bà có thêm lỗ vú và lỗ sinh dục, nên thành cửu khiếu. Tuy nhiên, các bé nữ lúc đầu vẫn chỉ có 7 vía, khi nào “có kinh” thì mới thành 9 vía – nghĩa là thời kỳ có thể thụ thai và sinh con. Như vậy, khi người phụ nữ hết chức năng sinh đẻ lại trở về thất khiếu.

Lê Quý Đôn ghi trong Vân Đài loại ngữ: “Tục nước ta sinh con được 3 ngày thì chỉ làm vài mâm cỗ cúng thần dưỡng bà (Bà Mụ). Đến ngày thứ 7, thứ 9, đầy 100 ngày, đầy năm thì làm lễ cáo gia tiên, yến tiệc linh đình; rồi tân khách đem thơ văn, đồ chơi, quần áo đến mừng. Các lễ trăm ngày và đầy năm là trọng hơn cả”.

Như vậy là cúng Bà Mụ lúc cháu được 3 ngày, cúng đầy cữ lúc 7 ngày (đối với con trai) và 9 ngày (đối với con gái), rồi lại cúng đầy tháng, cúng thôi nôi, cúng đầy năm.

Dân ta có câu: “Ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng cò rò mà đi”. Đây cũng chính là sự tổng kết các thang bậc lớn lên của đứa trẻ theo các hoạt động sinh học.

Lễ đầy tháng

Trong tập quán của dân tạ, lễ thôi nôi còn gọi là lễ thử. Thực chất đây là một tục thử trẻ, thường có tính ngẫu nhiên, song người xưa không quan niệm như vậy mà cho rằng, hành động này có giá trị thực tiễn, đoán định (gần đúng) khuynh hướng phát triển của trẻ trong tương lai, từ đó mà định ra phương pháp giáo dục con cái.

Buổi lễ thôi nôi, ngoài các lễ vật trên bàn thờ Thổ Công, bàn thờ gia tiên, bàn cúng Mụ, người ta chuẩn bị một so thứ cần thiết như: giấy bút, đàn sáo, cung tên (nếu là bé trai), kim chỉ, dao kéo… (nếu là bé gái) và một số thứ đồ chơi khác. Người ta bày tất cả các thứ đó trên một chiếc giường rộng hoặc trên sàn nhà lau sạch.

Xem thêm : Một số tục lệ người Việt

Chuẩn bị cho buổi lễ xong xuôi, đứa bé được tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo mới, được bố mẹ bế thực hiện các nghi lễ xong, đặt đứa bé trước những đồ vật (kể ở trên). Sau giây phút ngỡ ngàng, háo hức, bé sẽ nhặt lấy một thứ hoặc vài thứ. Người ta căn cứ vào đồ vật mà bé cầm đầu tiên để xác định tương lai “tự chọn” của bé.

Mọi người trong nhà: ông bà, bố mẹ, họ hàng, bè bạn đứng quanh nhìn bé rất chăm chú và thích thú (như xem bé biếu diễn vậy). Ai cũng phán đoán rằng bé sẽ thạo nghề văn chương (nếu bé cầm giấy bút), theo đường võ (nếu cầm cung nỏ), còn đàn sáo (có thể bé thích làm nghệ sĩ), thậm chí nếu bé cầm thúng mủng, đồng tiền thì chắc bé sẽ đi nghề buôn bán (thương mại). Có nhiều gia đình căn cứ vào hành động này trong ngày kỷ niệm mà vun trồng hoặc uốn nắn cho sự phát triển tương lai của con mình, dựa vào hành động đầu tiên đó.

Khi bé đầy tuổi (lễ sinh nhật) không chỉ đánh mốc thời đoạn trong cuộc đời của con người, mà còn là biểu hiện sự chuyển biến về cơ thể và trí não của trẻ.

Ngành Y cũng đã xác nhận: Đây là giai đoạn của y sinh học đối với cơ thể em bé. Các cơ quan trong thể xác (lục phủ ngũ tạng) cùng với tứ chi cử động dần dần chính xác, năng khiếu (mũi, tai, mắt) dần dần cảm nhận tinh tường, phát triển, sức đề kháng mọi thứ tốt hơn, bệnh tật cũng được khắc phục và có những nhận thức dần dần rõ rệt.

Xem thêm : Văn hóa gia đình người Việt

Thời xưa, những gia đình có ít nhiều chữ nghĩa, khi có người phụ nữ trong nhà ở cữ và đã được “mẹ tròn con vuông”, người ta ghi chép rất chính xác ngày giờ đứa bé ra đời để nhờ thầy tử vi xin cho lá số để suy tư, để tính toán về tương lai của đứa bé. Nếu như lá số tốt lành thì cũng là sự vui mừng của gia đình, nếu lá số có điều xấu thì phải cúng kiếng và tìm cách giải trừ các cung số báo những điều chẳng lành.

Ngày nay, nhiều cặp vợ chồng khi sinh con họ cũng đều nhờ người biết tử vi lấy cho con mình một lá số để xem, để biết, để có thể ngăn ngừa những điều xấu đã được báo trước. Tuy hầu hết những người xin lá số đều không tin tử vi là bộ môn khoa học, nhưng họ chỉ theo trào lưu và thực chất đây cũng chỉ là “trò chơi văn hoá” mà thôi.

Ông cha ta từ xưa đã quan niệm rất sâu sắc về giá trị con người: “Người ta là hoa của đất”, “Một mặt người hơn mười mặt của” hoặc “Người làm ra của chứ của không làm ra người”… nên giá trị của con người có ý nghĩa nhân văn và thẩm mĩ đặc biệt. Chính vì vậy, khi bé mới ra đòi cha mẹ phải “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”.

Tục bán khoán con

Thời xưa, những người sinh con muộn mằn hoặc hiếm hoi thường “bán khoán”. Đây là một tục đã có từ xưa, nghĩa là bán (sinh mệnh) cho Phật, để đứa bé được yên ổn, bố mẹ bớt lo lắng. Khi đã bán khoán rồi thì đứa trẻ là con nuôi của Phật. Để thực hiện bán khoán phải có những nghi lễ rất chi tiết và cụ thể: Trước hết bé phải được trăm ngày tuổi (là khoảng thời gian đủ để sạch những uế tạp lặt vặt của lúc mới sinh và lúc đó người mẹ cũng đà hết tuần chay gái đẻ.

Xưa cũng như nay, thủ tục bán khoán cũng đơn giản và nhẹ nhàng: Muốn bán khoán, gia đình phải chọn ngày tốt, mang lễ vật lên chùa trình bày nguyện vọng của mình với nhà sư trụ trì ngôi chùa đó. Gia chủ nhờ thày viết lá sớ xin bán khoán đứa trẻ vào một tờ khoán (tờ khoán được hiểu là tờ văn tự bán con cho Phật). Tờ khoán được làm hai bản và có dấu ấn của chùa. Nghi lễ được thực hiện nơi Tam bảo: cha mẹ làm lễ trước bàn thờ, bản khoán được để trên chiếc đĩa trang trọng đặt trên bàn thờ, nhà chùa hoặc thầy cúng đọc sớ. Khi nghi lễ thực hiện xong thì hoá sớ, còn bản khoán được lưu lại tại chùa (một bản) và bản còn lại thì cha mẹ bé mang về.

Có người xem số, lại chỉ hợp với Đức Thánh Trần (Đức Trần Hưng Đạo) thì bán khoán cho đền. Như vậy bé là con nuôi của Đức Thánh Trần. Từ đó, về mặt tâm linh, với thế giới thần linh đứa bé có họ mới, họ của nhà Phật (là Mẫu), họ của Đức Thánh (là Trần). Cho nên trong mọi việc cúng khấn cho bé sau này đều phải khấn theo họ của Phật, của Thánh. Khi đứa trẻ đến tuổi 13 hoặc 16, bố mẹ có thể xin chuộc khoán. Chuộc khoán cũng thông qua một nghi lễ tại nơi trước kia mình đã bán khoán.

0 ( 0 bình chọn )

Cộng Đồng Đánh Giá

https://congdongdanhgia.com
Cộng Đồng Đánh Giá toàn diện các dịch vụ, sản phẩm, địa điểm.. Cam kết trung thực khách quan. Đặt lợi ích người đọc lên trên hết

Ý kiến bạn đọc (0)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bài Viết Liên Quan