Blog

Tướng Vương Thừa Vũ – Một người con của Hà Nội

Ông quê ở làng Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Với lòng yêu nước, căm phẫn quân xâm lược, ông trở thành người cộng sản. Và qua nhữn
1366

Ông quê ở làng Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Với lòng yêu nước, căm phẫn quân xâm lược, ông trở thành người cộng sản. Và qua những chặng đường chiến đấu, ông được chiến sĩ và nhân dân tôn vinh là vị tướng Trí, Dũng, Nhân, Tín, Trung.

1. Vương Thừa Vũ tên thật là Nguyễn Văn Đồi, sinh năm 1910, tại làng Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh,  phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, nay thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Thuở nhỏ, ông theo cha sang Vân Nam (Trung Quốc) sinh sống. Lớn lên, ông làm thợ hỏa xa tại Vân Nam. Sau khi Nhật xâm chiếm Mãn Châu, ông đăng lính quân đội Trung hoa Quốc dân Đảng, sau đó được cử vào học tại Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc) năm 1937. Tại đây, ông đã có những cuộc tiếp xúc đầu tiên và dần có cảm tình với những người cộng sản Việt Nam như Nguyễn Ái Quốc, Lê Thiết Hùng, Nguyễn Sơn… Lòng yêu nước cùng nỗi căm phẫn quân xâm lược thôi thúc ông trở về quê hương cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Vì thế sau khi tốt nghiệp, ông từ bỏ cuộc sống no đủ nơi xứ người cùng vợ con trở về Việt Nam, tham gia vào hàng ngũ cách mạng.

Năm 1941, ông bị thực dân Pháp bắt giam và năm 1942, bị đày tại trại giam Bá Vân (Thái Nguyên). Dù ở trong tù, ông vẫn nêu cao chí khí chiến đấu, không chịu khuất phục trước đòn roi tra tấn của quân thù. Tại đây, ông được những người cộng sản vận động và tham gia công tác binh vận, phụ trách huấn luyện quân sự trong tù. Ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1943. Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương. Khi đó,  ông đang bị giam tại Nghĩa Lộ (Yên Bái), cùng bạn tù phá ngục, sau đó dự định tổ chức bạo động giành chính quyền ở Nghĩa Lộ nhưng không thành.

Bộ Tổng Tham mưu họp bàn Phương án tác chiến trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Từ phải sang trái : Trung tướng Vương Thừa Vũ, Thượng tướng Hoàng Văn Thái (sau này là Đại tướng) , Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Trần Quý Hai, Trung tướng Trần Sâm (sau này là Thượng tướng) …Ảnh Tư liệu

Trong cuốn “Những chặng đường chiến đấu – Vương Thừa Vũ”, chính ông đã ghi lại sự ra đời của tên ông Vương Thừa Vũ. Đó là sau khi trốn thoát khỏi nhà tù Nghĩa Lộ tháng 3 năm 1945, ông lạc vào núi Pá Hu, người trong bản tưởng ông là tay chân của Pháp nên bắt và định đem xử bắn. Nhưng may là ông biết tiếng dân tộc nên khi được hỏi “mày họ gì” thì ông buột miệng trả lời là họ Vương, cùng họ với người trong bản, nên được đón chào và giúp đỡ nuôi giấu một thời gian. Từ đó ông lấy tên là Vương Thừa Vũ để họat động cách mạng. Cũng từ đây, ông về Bắc Ninh gây dựng cơ sở cách mạng, huấn luyện quân sự ở Chiến khu II.

2. Với tài năng của mình, ông được cấp trên giao nhiều trọng trách trong quân đội. Năm 1946, khi quân Pháp gây hấn tại Hà Nội, ông được giữ chức Chỉ huy trưởng bộ đội Hà Nội; Khu trưởng Khu XI Hà Nội, sau đó đổi thành Chỉ huy quân sự Khu II bảo vệ Hà Nội, Liên khu Phó Liên khu I. Dự báo quân Pháp sẽ nổ súng, Bộ Tư lệnh Quân đội Quốc gia Việt Nam đã chỉ định ông làm Tư lệnh Mặt trận Hà Nội, còn gọi là Chiến khu XI. Ông chính là tác giả của cách đánh “trùng độc chiến” trên mặt trận Hà Nội trong 60 ngày đêm khói lửa (từ 9-12-1946 tới 18-2-1947). Đây là cách đánh từ trong đánh ra, ngoài đánh vào và kìm giữ tiêu diệt địch buộc địch phải đối phó với ta cả trong lòng thành phố lẫn ở cả các cửa ô. Kế hoạch tác chiến và thế trận vô cùng độc đáo, sáng tạo của Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội – Vương Thừa Vũ, đã được Bộ Tổng Chỉ huy duyệt, khen ngợi. 60 ngày đêm chỉ huy Mặt trận Hà Nội, ông luôn luôn theo dõi sát sao hàng ngày, hàng giờ từng trận chiến đấu của quân dân ba liên khu để có những quyết định kịp thời, điều động các tiểu đoàn vệ quốc đoàn vừa chặn, vừa đánh, vừa tiêu hao địch bằng chiến thuật hết sức sáng tạo, thần diệu “hóa chỉnh vi linh” trên địa bàn các phố cổ, phố “Tây”, các cửa ô và làng xã ngoại thành… Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, khi đã cầm chân được quân Pháp tại nội đô Hà Nội trong 2 tháng, sau đó Trung đoàn Thủ đô đã rút lui bảo toàn lực lượng.

Sau khi rút khỏi Hà Nội, ông được điều động về làm Khu bộ Phó Khu IV, dưới quyền Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, sau đó là Nguyễn Sơn. Cuối năm 1947, ông được giao nhiệm vụ làm Phân Khu trưởng Phân khu Bình Trị Thiên. Năm 1948, ông được phong quân hàm Đại tá trong đợt phong chính thức đầu tiên của Việt Nam.

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ (áo trắng) và Đòan Thể Công năm 1974 (Bên trong có nhiều tên tuổi như các cán bộ: Ngô Xuân Quýnh, Phạm Tất Thắng, Huy Cường..và các cầu thủ: Tý Bồ -thấp nhất đứng trước, Nguyễn Bình, Sỹ Hiển, Cao Cường, Ba Đẻn, Vương Tiến Dũng, Vũ Mạnh Hải, Pahn Văn Mỵ, Nguyễn Duy Phú, Văn Chi, Cầu, Luân…).

Khi cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc xâm lược Pháp chuyển sang giai đoạn “chuẩn bị tổng phản công”, Đại đoàn đầu tiên của quân đội ta – Đại đoàn 308 được thành lập ở Thái Nguyên, ngày 28-8-1949. Ông Vương Thừa Vũ được giao làm Đại đoàn Trưởng kiêm Chính ủy. Đại đoàn 308 đã tham gia nhiều chiến dịch, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ. Những chiến công hiển hách của các đơn vị thuộc Đại đoàn “thép” gắn liền với tên tuổi của ông.

3.Ngày 28/9/1954, ông được thăng hàm Thiếu tướng. Tháng 10 năm  1954, Đại đoàn  308 – Đại đoàn quân tiên phong trở về tiếp quản Thủ đô. Vừa chỉ huy Đại đoàn, ông vừa giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội. Tinh mơ sáng 10/10/1954, hàng chục vạn người Hà Nội đã xuống đường, khắp phố phường rợp bóng cờ hoa, năm cửa ô đón chào đoàn quân trở về. Chiều ngày 10-10, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính và bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính cùng toàn quân làm lễ chào cờ tại Sân vận động Cột cờ Hà Nội.

Từ 1955 đến 1963, ông là Tư lệnh Quân Khu Hữu Ngạn. Năm 1964 là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kiêm Giám đốc Học viện Quân chính (1964), kiêm Tư lệnh Quân khu 4 (năm 1971). Ông được phong quân hàm Trung tướng năm 1974.

4. Với những công lao to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Trung tướng Vương Thừa Vũ được Đảng, Nhà nước tặng Huân Chương Hồ Chí Minh và nhiều Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công các loại. Tên ông được đặt tên một đường phố ở quận Thanh Xuân – Hà Nội và một đường phố ở thành phố Hạ Long – tỉnh Quảng Ninh. Trong buổi họp mặt 15 năm ngày mất của Trung tướng Vương Thừa Vũ (1980 – 1995), Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Và bao trùm lên hết, Vương Thừa Vũ là một người cộng sản có đạo đức cách mạng, một vị tướng Trí, Dũng, Nhân, Tín, Trung như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy… Con người Vương Thừa Vũ là con người trung thực, tính tình nghiêm nghị với tấm lòng nhân hậu, cương trực thẳng thắn, nhưng coi trọng đoàn kết thống nhất; chỉ huy kiên quyết đòi hỏi cấp dưới rất cao, nhưng rất mực dân chủ và thương yêu chiến sĩ, thương yêu đồng chí. Anh được cấp trên dưới, đồng cấp, cán bộ, chiến sĩ toàn quân yêu mến và tin tưởng. Bản thân anh rất tôn trọng tình nghĩa, rất quý đồng chí, đồng đội. Anh có lối sống cần kiệm, giảm dị, liêm khiết, mẫu mực, không chạy theo danh lợi, luôn luôn nghĩ đến làm việc có ích cho xã hội, cho quân đội.  Với những cống hiến ấy, Vương Thừa Vũ, một người con của Hà Nội, xứng đáng với quê hương anh hùng, xứng đáng là người con ưu tú của Thăng Long – Hà Nội”.

Trung tướng Vương Thừa Vũ và vợ – bà Lê Thị Hợp và chồng

Không chỉ là một chiến sĩ cộng sản mẫu mực, trung kiên, gan dạ, một vị chỉ huy tài ba trong chiến trận mà trong cuộc sống hàng ngày, Trung tướng Vương Thừa Vũ cũng luôn là tấm gương sáng về lối sống khiêm nhường, giản dị. Những người trong gia đình ông kể lại, mỗi lần về thăm quê ở Thanh Trì vào dịp cuối tuần, ông đều dừng xe ở ụ pháo phía cuối làng rồi xuống đi bộ, băng qua cánh đồng hơn 1 km để về nhà, bởi ông không muốn những người làng nghĩ mình quan cách. Tuy sống ở phố Hoàng Diệu và chỉ về quê vào dịp cuối tuần, nhưng ông vẫn thân thiết với tất cả những người dân ở làng ông.

Trung tướng Vương Thừa Vũ và bà Lê Thị Hợp có 6 người con, 3 trai, 3 gái. Người con thứ là Vương Thiết Căng chiến đấu và hy sinh ở chiến trường chống Mỹ; người con trai út Vương Thiết Bình là phi công, hy sinh khi làm nhiệm vụ. Đây là một gia đình quân nhân có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng và kháng chiến.

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2014), ta nhớ đến ông và kể về ông – Tướng Vương Thừa Vũ. Ngày nay tại quê hương ông ở thôn Vĩnh Ninh, có ngôi nhà mái ngói 3 gian nằm trên một mảnh vườn nhỏ giữa xóm làng dân cư đông đúc, hằng ngày có một người cháu thường xuyên đến trông nom. Đó là Nhà lưu niệm tướng Vương Thừa Vũ. Ta hãy đến thăm quê hương ông ở huyện Thanh Trì và thắp nén nhang tưởng niệm một người con của Hà Nội tài ba, trung kiên, đức độ…

TS Lưu Minh Trị

 

0 ( 0 bình chọn )

Cộng Đồng Đánh Giá

https://congdongdanhgia.com
Cộng Đồng Đánh Giá toàn diện các dịch vụ, sản phẩm, địa điểm.. Cam kết trung thực khách quan. Đặt lợi ích người đọc lên trên hết

Ý kiến bạn đọc (0)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bài Viết Liên Quan