Làng Đông Dương (xã Quảng Phương, Quảng Trạch, Quảng Bình) nổi tiếng về rừng trâm bầu và giếng Chăm cổ quanh năm nước ngọt trong lành. Ngôi làng nhỏ bên bờ sông Gianh này còn có một gia tài vô giá: Làn điệu Ca trù với lối hát đứng độc nhất vô nhị. Đông Dương không chỉ là vùng quê có bề dày truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời, có nhiều di tích, chiến tích xưa gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt của mỗi người dân trong làng; nơi đây còn là “cái nôi” của địa điểm duy nhất ở Quảng Bình còn bảo tồn và phát triển nghệ thuật Ca trù.
Ca trù hay còn gọi là hát ả đào, hát nhà tơ, hát cô đầu, hát nhà trò… là dòng âm nhạc dân gian truyền thống, một sản phẩm của lối hát cửa đình của vùng quê xa xưa. Từ thế kỉ XV, hát Ca trù bắt đầu được thịnh hành, được coi là một hiện tượng văn hóa hết sức đặc biệt, có tác động mạnh mẽ tới đời sống văn hóa – xã hội người Việt vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Điệu Ca trù cổ du nhập vào Quảng Bình khoảng 300 năm trước, chủ yếu do những nghệ nhân, nông dân từ miền Bắc vào khai khẩn đất hoang, lập nghiệp ở nơi đây. Làng Đông Dương nằm trên dải đất miền Trung xưa bị ảnh hưởng đậm nét văn hóa cung đình, sinh hoạt của người dân cũng lệ thuộc vào văn hóa nơi cửa đình. Nên không gian hát chơi, lối hát đối đáp hội hè giữa các tài tử, danh nhân mặc khách hay các tư gia hay cá nhân chủ yếu là lối hát nơi cửa đình.
Theo gia phả của các dòng họ thì làng Đông Dương được hình thành cách đây khoảng 600 năm. Cả làng có một ngôi đình, còn mỗi dòng họ đều có nhà thờ, miếu thờ làm nơi thờ tự, gửi gắm tâm linh. Đây là vùng đất có nhiều lễ hội truyền thống dân gian. Những vị thần tổ của làng đến từ miền Bắc (nơi nghệ thuật Ca trù phát triển nhất), vì thế Ca trù đến với làng Đông Dương rất sớm. Vào các dịp lễ hội truyền thống của làng, dân làng Đông Dương thường hát những bài ngợi ca quê hương, đất nước, ca ngợi những vị tiền bối có công khai khẩn lập làng. Với những giá trị độc đáo về âm nhạc và ca từ, Ca trù dần dần đi vào cuộc sống thường nhật của dân làng Đông Dương.
Đông Dương có lẽ là “vùng đất cực Nam” nhất mà làn điệu Ca trù cổ kính này di chuyển từ miền Bắc vào. Chính tại đây, Ca trù đã cắm rễ và sản sinh ra một hình thức mới mẻ, phù hợp với con người và mảnh đất miền Trung nghèo khó, quanh năm hứng chịu nhiều thiên tai bão bùng. Người làng Đông Dương vẫn còn lưu truyền chuyện kể về nghệ nhân Ca trù đáng kính Hồ Thị Thứu. Chuyện kể rằng, một sáng mùa đông năm 2009, thay vì nằm sưởi ấm bên bếp than hồng như mọi ngày, cụ Thứu lại ngồi dậy, cơi thêm mấy viên than hồng, xong cụ gọi con cháu lại bảo đi mời lớp kép thứ đến nhà “có chuyện”. Lớp kép thứ – cũng tóc bạc gần bằng cụ, chống gậy đến. Và cụ Thứu bắt đầu kể và hát nhiều bài Ca trù cổ cho lớp đàn em nghe. Dường như mọi ngõ ngách trong trí nhớ một cụ bà 90 tuổi đều hoạt động hết công suất. Cứ thế, cụ hát và kể xuất xứ từng bài ca trù cổ, hết bài này đến bài khác. Có người nhanh tay lấy giấy bút ra vừa nghe vừa chép lại. Chép đến hết một ngày, lan cả sang đêm, không hề ngưng nghỉ. Đến 4 giờ sáng hôm sau, cụ Thứu thở hắt một hơi dài rồi ra đi thanh thản, nhẹ nhàng…Từ đó, người làng không ai bảo ai, tự nguyện cùng nhau hát lấy những lời điệu của cụ Thứu để lại. Ngọn lửa Ca trù bùng cháy khắp xóm làng Đông Dương.
Ở làng Đông Dương, Ca trù cổ thường được hát vào ngày Rằm tháng Giêng,Rằm tháng 7 hàng năm. Trong đó Rằm tháng Giêng là chính lễ của Ca trù. Khung cảnh về một xã hội mang đậm nét văn hóa cung đình vua quan thời xưa được tái hiện lại đầy đủ qua các nghệ nhân cầm trầu, các kép đào hát cho đến âm thanh trầm bổng mà dắt díu níu chân khách bởi cây đàn Đáy – một nhạc cụ linh hồn chính của điệu ca trù cổ này. Trải qua nhiều biến cố của thời gian, Ca trù cũng như nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác bị mai một và dần dần bị lãng quên. Từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, các giá trị văn hóa, trong đó có Ca trù dần dần được khôi phục và bảo tồn.
Năm 1999, Hội Người cao tuổi đã đứng ra thành lập CLB Ca trù làng Đông Dương chỉ với 6 thành viên. Theo các thành viên Câu lạc bộ Ca trù Đông Dương thì các nghệ nhân của làng phải mất ba năm mới khôi phục lại được nghệ thuật Ca trù. Trong suốt thời gian ấy, các thành viên trong câu lạc bộ đã tích cực tìm kiếm tư liệu cũ về Ca trù và tổ chức tập luyện dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân cao tuổi trong làng. Nghệ nhân dân gian Ca trù Phạm Thị Thứu (mất năm 2007), lúc đó đã trên 80 tuổi vẫn vượt lên bệnh tật và tuổi già, gạt bỏ những khó khăn của cuộc sống thường nhật miệt mài truyền dạy các làn điệu cho con cháu xung quanh mình. Năm 2009, CLB mở rộng đối tượng tuyển chọn để đào tạo cho các em nhỏ. Người đứng lớp đào tạo cho các thành viên trong CLB và các em nhỏ không ai khác chính là ông Hồ Xuân Thể, người duy nhất của CLB Ca trù Đông Dương được phong danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Từ khi thành lập đến nay, đội ca trù nhí đã có hàng chục buổi biểu diễn khắp trong huyện và tỉnh, trong đó có 2 lần biểu diễn ở cấp tỉnh. Hễ ở đâu có tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm không thể thiếu một vài tiết mục hát Ca trù của các em. Song bên cạnh đó vẫn còn những trăn trở của người yêu Ca trù. Chính những yêu cầu khắt khe của nghiệp hát Ca trù nên đến nay, sau 6 năm tìm kiếm và đào tạo, CLB chỉ tuyển chọn được 10 em. Trong số 26 làn điệu (trong đó 12 làn điệu gốc) các em chỉ mới biểu diễn được 3 làn điệu: Hát mở, Luyện sơn trang và Hát phú.
Ca trù của làng Đông Dương ngày nay không chỉ hát trong lễ hội truyền thống của làng mà còn tham gia và đoạt được giải cao trong các hội diễn do huyện và tỉnh tổ chức. Đội ngũ đào, kép của Câu lạc bộ Ca trù làng Đông Dương ngày càng được trẻ hóa, tiếp tục sưu tầm, sáng tác, luyện tập để phục vụ nhân dân trong làng và các làng vùng lân cận. Ca trù thực sự gắn bó với đời sống của nhân dân nơi đây. Với họ, Ca trù đã trở thành một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu được, một món ăn tinh thần mang tính đậm đà bản sắc dân gian.
Hiện nay Ca trù Đông Dương đã bước đầu hồi sinh, song những người có kỹ năng hát và sử dụng các nhạc cụ Ca trù ở làng chỉ đếm trên đầu ngón tay và đã nhiều tuổi. Việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy thực tế mới nằm trên sách vở. Còn để đưa Ca trù vào cuộc sống sinh hoạt của người dân là rất khó vì thế cần phải có lớp kế cận để “giữ lửa” cho môn nghệ thuật truyền thống của cha ông để lại. Bảo tồn và truyền dạy thế nào, chế độ đãi ngộ ra sao… đang là một trong những vấn đề cấp bách. Câu lạc bộ Ca trù của làng thành lập xuất phát từ niềm đam mê nghệ thuật của các nghệ nhân cùng với mong muốn khôi phục nét văn hóa của địa phương, kinh phí hoạt động do các thành viên đóng góp. Đam mê là thế, nhưng buông đàn, buông phách là những nghệ nhân như anh ông Thể, chị Dậu, chị Lài, chị Tâm… phải đối mặt với nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền”.
Những giá trị văn hóa mà người dân làng Đông Dương gìn giữ qua những câu hát quê hương thật đáng trân trọng. Hy vọng, sức sống của Ca trù cổ Đông Dương được coi là di sản văn hóa phi vật thể quý giá trong kho tàng âm nhạc dân gian Việt Nam sẽ mãi mãi trường tồn và lan tỏa.
Trần Ngọc Linh
Ý kiến bạn đọc (0)