Blog

Các nghi lễ trong lễ cưới truyền thống người Việt xưa

7217

Người ta nói vợ chồng là đầu ngũ luân (năm mối quan hệ: vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bè bạn). Lập gia đình là một hình thức củng cố xã hội, sinh sản cho nòi giống vững mạnh. Lễ cưới là gốc của vạn phúc. Vì vậy, xã hội nào, gia đình nào cũng mong tổ chức lễ cưới thật chu đáo.

Theo hôn nhân truyền thống ở nước ta từ xưa, tục cưới hỏi phải trải qua 6 lễ:

  • Lễ nạp thái.
  • Lê vấn danh.
  • Lễ nạp cát.
  • Lễ nạp chính, còn gọi là lễ nạp tệ.
  • Lễ thỉnh kỳ, tức là lễ xin cưới.
  • Lễ thân nghinh (có nơi còn gọi là thành nghênh).
Các nghi lễ trong lễ cưới truyền thống
Các nghi lễ trong lễ cưới truyền thống

Nội dung các lễ đại thể như sau:

Lễ nạp thái

Sau khi mai mối tin đi tin lại, hai nhà thấy việc thăm hỏi nhau có thể tiến hành. Nhà trai xin được đặt một cái lễ, gọi là lễ nạp thái. Lễ này dân gian thường gọi là lễ chạm ngõ. Tuy là một lễ, nhưng lễ chạm ngõ rất sơ sài. Nhà trai có thể đưa sang nhà gái vài bao trà, ít cau trầu để điểm xuyết cho câu chuyện.

Đúng ngày, giờ đã thoả thuận (tất nhiên là ngày, giờ tốt), bà mối dẫn đầu đoàn của nhà trai sang thăm nhà gái. Đoàn thường gồm các bậc cô, dì, chú, bác… của chú rể. Tuy số lượng đoàn không đông, nhưng những người này có óc quan sát sắc sảo, có tài trò chuyện đối đáp với bên nhà gái. Tất nhiên là trong đoàn phải có chú rể.

Nội dung của lễ này là hai bên gia đình trao đổi, thăm dò. Đúng ra đây là lễ xem mặt. Trong khi hai bên trò chuyện, nhà gái kín đáo cho cô gái mà bên nhà trai ướm hỏi ra chào khách Thường là cô gái ra mời trầu, nước. Cô gái chỉ xuất hiện một rồi lui về buồng riêng. Đó cũng là dịp để cho chú rể tương lai và họ hàng bên nhà trai quan sát cô gái. Thường bà mối yêu cầu cha mẹ cô gái cho trang điểm giản dị, nhưng nhất thiết không được đội khăn vuông mỏ quạ che kín gáy và hai tai. Bởi nhà trai không chỉ xem mặt mà còn xem cả tướng mặt cô gái. Bởi vì xem tướng thì phải nhìn rõ tam đình, ngũ nhạc, tức là mắt, mũi, tai mồm…

Khi mọi người quan sát cô gái từ nét mặt, dáng đi, giọng nói và cử chỉ của cô, thì trong đoàn họ nhà trai cũng có một hai bà ra ngoài quan sát từ sân, ngõ, bếp núc, chuồng lợn, chuồng trâu… Bởi những nơi đó gọn gàng, sạch sẽ hay bừa bãi, nhếch nhác, đủ nói lên tính cách của cô gái. Nếu họ nhà trai được mời ở lại dùng cơm, thì đó còn là dịp để nhà gái khoe tài làm bếp của cô con dâu tương lai. Đây chính là cơ hội để bên nhà trai thẩm định một cách kỹ càng nhất về công – dung – ngôn – hạnh của đối tượng chọn lựa.

Về bản chất, lễ này là cơ hội để nhà trai xem gia cảnh cũng như gia phong của nhà gái (tránh tình trạng người mối nói sai sự thật), từ đó đi đến quyết định dứt khoát việc hôn nhân của đôi trai gái.

Nhiều trường hợp sau lễ chạm ngõ, hai nhà trở nên khăng khít và các lễ cứ tuần tự được tiến hành cho tới cuộc “thân nghinh”. Song cũng không ít trường hợp, sau lễ chạm ngõ thì bên nhà trai từ bỏ ý định cầu hôn. Vì vậy, đối với nhà gái, khi đã chấp nhận lễ chạm ngõ là phải qua các bước giáo dục con gái, sửa sang nhà cửa, tập dượt hết sức chu đáo sao cho cuộc ra mắt của con gái mình gây được thiện cảm với người trong đoàn đại biểu họ nhà trai. Việc này bà mối phải ý tứ thăm dò, phải biết cá tính, sở trường của từng người để giúp nhà gái có cách cư xử tót nhất. Ngược lại, bà mối cũng giúp nhà trai khắc phục những nhược điếm để không vì thế mà nhà gái từ chối.

Nếu nhà gái bằng lòng nhận lễ, thì chặng đầu tiên của cuộc hôn nhân coi như xong. Tuy nhiên, về lý thì lễ này chưa có tác dụng ràng buộc hai bên (hứa hôn). Thực ra, đây chỉ là cuộc thăm viếng bình thường, chưa có chuyện hôn nhân gả bán gì được bàn tính trong lễ này. Nếu một trong hai bên không bằng lòng tiếp tục, thì chỉ cần nói qua bà mối. Vì rằng: “Cơi trầu chạm ngõ là cơi trầu bỏ đi”.

Về phương diện văn hoá, các nhà nghiên cứu cho rằng lễ chạm ngõ với lễ vật chính là trầu cau, là một lễ khởi đầu trong hệ thống hôn lễ ở Việt Nam, đã mang đậm nét bản sắc văn hoá của dân tộc ta.

Lễ vấn danh

Đúng như tên của lễ: Vấn danh là hỏi họ tên, là hai bên trao đổi danh thiếp. Lễ này cũng đơn giản, chưa phải là bước quyêt định của hôn nhân.

Nhà trai thông qua người mối, cử một đoàn vài ba người với lễ vật gồm chè, rượu, trầu, cau. Chủ yếu của lễ này là nhà trai biết được ngày, tháng, năm sinh của cô gái, để về xem tuổi (còn gọi là so tuổi).

Khi nhà trai đến thì nhà gái đưa ra một tờ giấy đã ghi rõ họ, tên, ngày tháng năm sinh của cô gái; đôi khi cả giờ sinh nếu bên nhà trai có yêu cầu. Như trong truyện Kiều, khi Thúc Sinh gặp Thuý Kiều, có ý định chuộc nàng ra khỏi thanh lâu. Nhưng việc đầu tiên Thúc Sinh làm không phải là thương lượng vối Tú Bà, mà là cần biết tên, tuổi nàng. Vì vậy, Nguyễn Du viết: “Hãy đưa danh thiếp trước cầm làm ghi”.

Có những trường hợp, chủ nhân nhà trai là người cẩn thận, có chữ nghĩa còn gửi thư (qua đoàn nhà trai) sang bên nhà gái, bày tỏ lễ nghĩa và lòng thành tâm của mình (xin ghi lại để chúng ta cùng biết phong cách của một thời).

Nhà gái tiếp nhận lễ rồi, dâng thư cùng lễ vật lên bàn thờ kính cáo từ đường (có bài cáo). Để ứng lại với phép lễ nhà trai, nhà gái có phục thư, tức là viết thư đáp lại, đưa họ nhà trai và tiễn về.

Ý nghĩa của danh thiếp là để so tuổi, xem đôi bên có hợp nhau không. Nếu mệnh hai người tương sinh thì rất hợp. Ví như chồng mệnh Kim, vợ mệnh Thủy; Kim sinh Thuỷ là tương sinh. Trái lại, chồng mệnh Kim, vợ mệnh Mộc, Kim khắc Mộc là tương khắc. Đây là tính theo Âm dương Ngũ hành. Lại phải tính sự hợp, xung theo hệ Can, Chi nữa.

Thật ra đây là thói quen tin vào thuật số, chứ thực đã có nhiều người ăn ở với nhau rất hạnh phúc mà họ không cần so tuổi, chọn ngày để tiến hành hôn lễ.

Lễ nạp cát

Lễ này trong dân gian gọi là lễ ăn hỏi. Sau lễ vấn danh, bên nhà trai thấy đôi trẻ hợp tuổi, liền đánh tiếng để xin làm lễ ăn hỏi. Tất nhiên phải chọn ngày lành, tháng tốt. Bên nhà trai thường hỏi ý kiến bên nhà gái các chi tiết cụ thể và số lễ vật. Nhà gái nếu muốn lễ to thì nói ý tứ: Họ hàng nội, ngoại đông, bạn bè giao du rộng, nhà trai xem đó mà biện lễ.

Ngày xưa lễ này ở nông thôn thường có một vài buồng cau to độ ba, bốn trăm quả (đủ số cau biếu, mỗi phần 3 quả, ít đi là 1 quả không bao giờ 2 quả – vì cho đó là thô tục); dăm chai rượu trắng; một mâm xôi gấc; một cái thủ lợn. Ở thành phố thì xôi gấc, lợn quay, trà, rượu mầu và bánh trái, trầu, cau… Sau này người ta bỏ bớt xôi gấc, lợn quay, mà thay vào đó là các loại bánh dân tộc như: bánh chưng, bánh dầy, bánh cốm, bánh phu thê. Bánh cốm gói lá chuối xanh mướt buộc hai chiếc lạt nhuộm đỏ hình chữ thập rất đẹp. Các nhà sang trọng ở Hà Nội hoặc các tỉnh thường chuộng bánh cốm Nguyên Ninh – là nhà hàng bánh cốm nối tiếng. Bánh cốm phải kèm với bánh phu thê làm bằng loại bột lọc, nhuộm màu vàng trong như ngọc. Bánh cốm có hình vuông tượng trưng cho âm, bánh phu thê tròn tượng trưng cho dương (cũng biểu thị nam và nữ, trời và đất). Bánh cốm, bánh phu thê lại thêm mứt sen, chè cân loại hảo hạng, cau tươi và trầu không, sao cho tương xứng với số bánh trái trên, cùng với dăm ba chai rượu màu.

Việc dẫn lễ ngày xưa thường có bà mối, mẹ hoặc cha chú rể. Cũng có thể là chú, bác, những người có tư cách đại diện cho cha mẹ chú rể. Dăm bảy, thậm chí mười cháp quả đựng lễ vật trên phủ vải điều hoặc khăn xatanh đỏ do các cô gái 16 – 17 tuổi mặc áo dài đẹp, đội trên đầu. Các nhà giàu xưa thường thuê xe tay kéo gọng đồng rất sang, cũng có nhà dùng xe song mã.

Chú rể đi kèm với vài người bạn trai cùng tuổi, những người này sẽ là người phù rể vào lễ cưới.

Bên nhà gái trong dịp này thường mời bà con thân cận nhất đến dự và có làm cơm thết nhà trai. Lễ vật nhiều nhưng chỉ đặt tượng trưng lên bàn thờ. Khi nhà trai ra về, nhà gái thu xếp trả lại tất cả các cháp quả đựng lễ vật. Trong mỗi cháp quả đều để lại mỗi thứ một ít, gọi là “lại quả” cho nhà trai.

Sau lễ ăn hỏi, nhà gái chia quà biếu cho họ hàng, bạn bè, xóm giềng như để thông báo chính thức với mọi người rằng: Con gái tôi đã đính hôn, con gái tôi sắp đi lấy chồng! Vì vậy, lễ ăn hỏi có ý nghĩa rất quan trọng trong việc quyết định hôn nhân.

Sau lễ ăn hỏi, chàng rể được thừa nhận như con cái trong nhà Phải thường xuyên thăm hỏi gia đình bên vợ, săn sóc khi có người nhà ốm đau, giúp việc khi nhà có công việc, coi như đây là việc nhà mình. Các nhà nho xưa gọi chàng rể lúc này là “bán tử chi tình” (tình cảm như nửa con trai).

Ngày xưa, từ sau lễ ăn hỏi đến lễ cưới kéo dài hàng năm, thậm chí vài ba năm. Đám nào cưới gấp sau khi ăn hỏi người ta cho là khiếm nhã, hoặc thường bị dân làng dị nghị và nghi là phía con gái có chuyện không bình thường. Khôn nỗi thế gian lại rằng:

Hỏi vợ thì cưới liền tay

Chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha

Trong thời gian từ lễ ăn hỏi đến lễ cưới, người con rể phải theo đủ các lễ sêu tết trong năm. Tức là mùa nào thức ấy, đủ các tháng trong năm, người rể chưa cưới áy phải có quà lễ biếu cha mẹ vợ một cách chu đáo, chân thành, cẩn thận. Ớ vùng đồng bằng Bắc bộ thời ấy thường: tháng 3 sêu vải (theo âm lịch); tháng 5: đậu xanh, ngỗng; tháng 7: na, nhãn lồng; tháng 9: cốm, hồng, gạo mới, chim ngói; tháng chạp: cam, mứt; Tết Nguyên đán thì phong phú hơn, sang hơn.

Cũng có nơi, có nhà hiếm con, bắt chàng trai sau lễ ăn hỏi phải đến ở rể từ một đến ba năm, rồi mới được cưới. thời gian ở rể cũng là thời kỳ thử thách: từ lao động đến cung cách làm ăn, thái độ đối nhân xử thế… Đây cũng là thời kỳ chàng rể sẵn sàng làm việc không tiếc sức, lại phải khiêm tốn, vui vẻ không chỉ để lọt “mắt xanh” của nàng, mà chính là làm vừa lòng bố mẹ vợ, thậm chí phải bỏ qua nhiều chuyện dù có thấy “chướng ta gai mắt”. Vì thế người ta nói: “Ớ rể như chó nằm gầm chạn” là vậy.

Tục ở rể phổ biến và chắc gây phiền hà trong mối quan hệ xã hội, trở thành hủ tục (thời gian kéo dài, chàng rể bị lợi dụng quá lâu), nên Lê Thánh Tông (thế kỷ XV) phải ra điều ngăn cấm: “Khi đã có lễ xin cưới rồi, thì cấm không được để đến 3 – 4 năm mới cho rước dâu. Sau khi nhận lễ hỏi phải chọn ngày cưới”.

Lễ nạp chính (cũng gọi là lễ nạp tệ)

Một vài mùa lúa đã trôi qua, nhà trai sêu tết đều đặn, chu dáo. Mối quan hệ ràng buộc hai nhà cũng đã khăng khít. Nhà trai xem tuổi, định năm cưới. Tập quán xưa: “Cưới vợ xem tuổi đàn bà, làm nhà xem tuổi đàn ông”. Phải bấm xem tuổi tốt xấu của cô dâu tương lai. Thường chuyện này người ta đã tính từ trước. Khi đã chọn được năm, tháng, ngày tốt, nhà trai nhờ người mối mai tới báo cho nhà gái biết, để xin ý kiến và cùng lo lắng. Cũng trong dịp này, người mối mai cũng hỏi chính thức xem nhà gái cần những gì để “dẫn cưới”.

Đúng như tên gọi, “nạp tệ” tức là nộp tiền. Đây chính là kết quả sau cuộc nghị hôn giữa hai bên gia đình. Trong cuộc họp bàn này, nội dung chủ yếu xem bên nhà gái đòi hỏi nhà trai phải nạp những gì. Xưa cuộc bàn bạc này gọi là “thách cưới”. Trong đó nhà gái đòi đủ thứ. Từ các đồ quý về trang sức như: vòng, xuyến, hoa tai, xà tích, quần áo mớ ba mớ bảy… Bạc trắng, tiền giấy, rượu, gạo, lợn… Đã gọi là “thách” thì bên nhà gái thường nói đội lên những yêu cầu rất cao về các đồ sính lễ. Nhà trai tuỳ khả năng có thể mà đáp ứng. Có khi bên nhà gái đòi mười, bên nhà trai chỉ có hai, ba, Thậm chí còn “Cò kè bớt một thêm hai”.

Có những trường hợp bên nhà trai không thể đáp ứng được đầy đủ, việc cưới đành phải tạm hoãn. Thường thì đã đến nước này, họ nhà trai phải cố gắng, vì: “Trồng cây đã tới ngày ăn quả”, lo vay mượn ngược xuôi, không nên trì hoãn nữa, nếu không định doãi ra. Những trường hợp như vậy, dù sao về tình cảm hai bên cũng có ít nhiều tổn thương. Nếu gặp phải bà mẹ chồng khó tính thì, sau này cô dâu “khốn khổ với bà”. Gương cũ để lại chuyện này không hiếm.

Cũng có những trường hợp, hai bên đi lại nhiều năm, đã hiểu nhau, thông cảm với nhau, cùng nhau hợp lực vun đắp cho hạnh phúc lứa đôi, nhưng cũng không thể mang tiếng là “cho không”. Ông bố vợ từng trải sẽ nói cho bên nhà trai và chàng rể rõ, lối sống thanh bần và mối dây liên kết hai nhà bền lâu mới là chuyện đáng quý. Với ông thì “Giá thú bất luận tài”.

Xem thêm: Phong tục cưới hỏi của người Việt

Còn đối với nhà nghèo, chuyện lại đơn giản hơn nữa. Người ta chỉ lưu ý đến những cái tối thiểu về lễ nghi, đạo đức. Thường là cần ba lễ mặn, nhưng là lễ mặn nhà nghèo, không cao lương mỹ vị, không giò, nem, ninh, mọc, mà mỗi lễ chỉ gồm đĩa xôi và con gà luộc, kèm theo trầu, cau, rượu là được. Đây là ba lễ với tổ tiên không được quên dù nghèo, đó là:

  • Lễ nhà tộc trưởng bên vợ;
  • Lễ tại nhà thờ cậu của vợ;
  • Lễ gia tiên tại nhà.

Khi cúng xong thì “kiến tự” tức hạ xuống hưởng lộc.

Lễ thỉnh kỳ

Tức là hẹn ngày xin cưới. Sau lễ nạp tệ, tức là các đồ dẫn cưới nhà trai đã đưa sang nhà gái, thì nhà trai xin hẹn ngày, giờ đón dâu với nhà gái. Lễ này diễn ra hết sức đơn giản và không có gì cản trỏ.

Lễ thân nghinh

Là lễ đón dâu. Người con gái về nhà chồng là ngày cưới, ngày vui, ngày hạnh phúc nhất của đòi người, nên nghi lễ đón dâu rất trang trọng. Người ta còn gọi là “rước dâu” (người con trai phải thân đến nhà gái rước cô dâu về).

Lễ thân nghinh còn gọi là lễ nghênh hôn phải kiêng kỵ một số điều:

  • Bản thân cô dâu, chú rể không ở trong thời kỳ đại tang (tức cha mẹ đẻ chết chưa hết tang).
  • Ngày giờ cưới phải tránh các ngày giờ “không vong”, “sát chủ”… Đồng thời phải tránh “tháng ngâu” – tháng 7 âm lịch.

Theo tập quán của dân ta: Tuy gọi là 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông song thực ra ở nước ta chỉ có hai mùa rõ rệt là mùa mưa (ưốt, ẩm, từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch) và mùa khô ráo (khô, lạnh, mát mẻ, từ tháng một đến tháng tư năm sau). Thực ra người ta có thể tổ chức lễ cưới vào bất cứ tháng nào nếu tính thấy tốt và không ngại nóng (mùa nắng), không ngại ướt (mùa mưa). Song, có một tháng mà ai cũng phải kiêng – đó là tháng bảy (mưa ngâu).

Mưa ngâu nhắc một truyền tích Ngưu Lang, Chức Nữ: Ngưu Lang (Kiên Ngưu) là một ngôi sao, chăn trâu phía Tây sông Ngân, yêu Chức Nữ cũng là một ngôi sao – con gái Thượng đế. Đây là hai ngôi sao nằm trong 28 ngôi sao nổi tiếng (Nhị thập bát tú). Thượng đế nhận Ngưu Lang làm rể. Nhưng từ khi có chồng, Chức Nữ lười biếng nên bị Thượng đế phạt, đầy Chức Nữ sang bờ Đông sông Ngân và lệnh cho mỗi năm hai người chỉ được gặp nhau một lần vào ngày Thất tịch (mồng 7 tháng 7). Bởi thế, lúc gặp được nhau ấy, hai người khóc rả rích như mưa. Mưa rả rích tháng 7 gọi là mưa ngâu (tức Ngưu). Tình lứa đôi lỡ dở như vậy, nên dân ta thường ngại, không tổ chức lễ cưới vào tháng này.

Trước ngày cưới một ngày, cả hai nhà đều làm lễ cáo gia tiên và thổ công. Nhà gái xin phép (gia tiên và thổ công) cho con xuất giá, làm con nhà người. Nhà trai xin phép được báo là có thêm người và sẽ có thêm con cháu nối dõi tông đường.

Tuy hai gia đình đã thoả thuận với nhau ngày, giờ cưới rồi, nhưng trước khi lễ đón dâu vài ba tiếng đồng hồ (nếu hai nhà ở gần, nếu ở xa thì trước một ngày) nhà trai lại cử người đến nhà gái với chút lễ mọn: cơi trầu để “xin dâu”. Cơi trầu này phải xếp đủ 12 miếng trầu cánh phượng, mười hai miếng cau cánh tiên, đến nhà cô dâu báo xin giờ đón dâu. Tại sao phải là 12? Vì các cụ cho hay là 12 tượng trưng cho 12 bà mụ (chăm sóc việc sinh đẻ sau này của cô dâu), 12 giờ trong một ngày, 12 tháng trong một năm và 12 vị thần (quan hành khiển) thay phiên nhau trông nom đời sống con người.

Vì sao lại phải đến xin dâu khi hai gia đình đã thoả thuận rồi? Vì trước đây có những cuộc tình duyên ép buộc, cô gái kiên quyết chống lại, nên thường bỏ trốn vào phút chót; hoặc do tai biến bất thường như ốm đau hoặc tai nạn. Việc xin dâu vào lúc áp ngày, giờ cưới, mục đích nhằm đảm bảo cho lễ cưới suôn sẻ, tránh điều tai tiếng có thể xảy ra đối với họ hàng, quan khách: Đám cưới không có cô dâu.

Định xong ngày, giờ đón dâu rồi, chủ hôn cử người mang lá trầu, quả cau đi mời ông cầm hương. Ông là người sẽ cầm bó hương dẫn đầu đám rước dâu. Thường người ta chọn người đứng tuổi, phúc hậu, gia đình nền nếp, vợ chồng song toàn, không tang chế, con cháu đông vui, hoà thuận. Như vậy ông là có phúc, có lộc mời ông giúp đám cưới, ông sẽ chia sẻ phúc lộc cho đôi trẻ sau này. Còn đối với ông, ông tự coi đây là một vinh dự vì ông là tượng trưng cho sự hoàn hảo, đầy đủ, dân làng quý trọng Ông. Ông cầm hương, mặc áo dài đỏ, quần tơ tằm vàng (màu đỏ tượng trưng cho sự sống). Ông cầm hương nhai miếng trầu, dùng một tuần trà, chờ đợi thực hiện nghi lễ. Các cụ truyền lại rằng: Hương thơm chứng tỏ đám rước dâu thanh sạch, hương thơm cũng đuổi ma quỷ (theo đám cưới để quấy nhiễu) gặp trên đường.

0 ( 0 bình chọn )

Cộng Đồng Đánh Giá

https://congdongdanhgia.com
Cộng Đồng Đánh Giá toàn diện các dịch vụ, sản phẩm, địa điểm.. Cam kết trung thực khách quan. Đặt lợi ích người đọc lên trên hết

Ý kiến bạn đọc (0)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bài Viết Liên Quan