Blog

Di sản văn hóa và thiên nhiên Ninh Bình

Di sản văn hóa vật thể ở Ninh Bình khá phong phú, bao gồm các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Đến thời điểm năm 2017, toàn tỉnh có gần 1500 di tích lịch sử văn hóa, 354 di tích đã xếp hạng, trong đó có 81 di
1900

Di sản văn hóa vật thể ở Ninh Bình khá phong phú, bao gồm các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Đến thời điểm năm 2017, toàn tỉnh có gần 1500 di tích lịch sử văn hóa, 354 di tích đã xếp hạng, trong đó có 81 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt và 01 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, có 273 di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Ninh Bình cũng lưu giữ 03 bảo vật quốc gia cùng hàng ngàn di vật, cổ vật được lưu giữ tại bảo tàng tỉnh, các bảo tàng tư nhân và các di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh.

DI SẢN VĂN HÓA VÀ THIÊN NHIÊN NINH BÌNH

 

Ninh Bình nằm ở cựcNamđồng bằng châu thổ sông Hồng, tiếp giáp với đồng bằng sông Mã qua vùng núi Tam Điệp, có tuyến đường huyết mạch quốc gia chạy qua. Vị trí địa lý đặc biệt ấy đã khiến Ninh Bình được sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, cũng là nơi giao thoa văn hóa giữa các vùng, miền, khu vực từ bắc vào nam, từ miền núi đến đồng bằng và vùng ven biển, tạo nên màu sắc văn hóa độc đáo, ghi dấu trong các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được người dân Ninh Bình trao truyền, gìn giữ từ hàng ngàn năm nay.

Di sản văn hóa vật thể ở Ninh Bình khá phong phú, bao gồm các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Đến thời điểm năm 2017, toàn tỉnh có gần 1500 di tích lịch sử văn hóa, 354 di tích đã xếp hạng, trong đó có 81 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt và 01 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, có 273 di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Ninh Bình cũng lưu giữ 03 bảo vật quốc gia cùng hàng ngàn di vật, cổ vật được lưu giữ tại bảo tàng tỉnh, các bảo tàng tư nhân và các di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh.

Long sàng đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng – Ảnh Bùi Tuấn Hải

Các di tích khảo cổ học trên địa bàn tỉnh như Thung Lang (Tam Điệp), hang Đăng Đắng (Cúc Phương), di chỉ Mán Bạc (Yên Mô)…. đã cho thấy Ninh Bình là vùng đất cổ có con người cư trú từ rất sớm. Qua nghiên cứu các hiện vật và dấu ấn địa chất, địa mạo ở các di tích khảo cổ học, các nhà khoa học bước đầu đã khẳng định Ninh Bình có sự phát triển khá đa dạng, phong phú, vừa có vùng đất cổ, vừa có vùng đất mới, vừa có vùng núi, vừa có đồng bằng và vùng biển bồi tụ, giữa các vùng có sự sáng tạo, kế thừa, giao lưu, tiếp biến văn hóa, tạo nên sự phong phú cho văn hóa Ninh Bình.

Di chỉ khảo cổ Mán Bạc – Ảnh Tư liệu

Các di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật của Ninh Bình cũng rất đa dạng với các loại hình đình, đền, chùa, phủ, nhà thờ họ, nhà thờ công giáo… Các loại hình di tích này vừa có giá trị về lịch sử văn hóa, vừa có giá trị về kiến trúc nghệ thuật. Một số công trình được xây dựng, tạo tác công phu đã trụ vững với thời gian qua hàng trăm năm như đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ vua Lê Đại Hành (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư), đền thờ Nguyễn Minh Không (Gia Viễn), nhà thờ đá Phát Diệm (Kim Sơn)… Đó đều là những sản phẩm kiến trúc tiêu biểu trong nghệ thuật chạm khắc gỗ và đá của các nghệ sĩ dân gian ViệtNamở thế kỷ XVII – XIX. Bên cạnh đó, Ninh Bình còn lưu giữ rất nhiều ngôi chùa cổ kính được xây dựng từ thế kỷ X và được nhân dân trùng tu, tôn tạo, giữ gìn đến ngày nay như: chùa Bà Ngô, chùa Cổ Am, chùa Am Tiên, chùa Tháp, chùa Bàn Long, chùa và động Thiên Tôn, chùa Hoa Sơn (nhà Đinh), chùa Kim Ngân, chùa Nhất Trụ, chùa Đẩu Long (nhà Tiền Lê)….

Với địa thế đủ cả rừng, biển, trung du, miền núi và đồng bằng, Ninh Bình “là nơi chứa những vật báu của trời, nơi nổi tiếng có nhiều thắng cảnh”. Các di tích danh lam thắng cảnh kỳ thú ở Ninh Bình đã được ghi dấu trong các áng thiên cổ hùng văn của dân tộc, và được du khách trong nước, quốc tế đặc biệt yêu thích như: Tam Cốc – Bích Động, động Địch Lộng, động Vân Trình, khu du lịch sinh thái Vân Long, Tràng An, suối nước nóng Kênh Gà, động Thiên Hà, rừng quốc gia Cúc Phương, hồ Yên Thắng… Những danh lam thắng cảnh đã và đang được Ninh Bình bảo vệ, khai thác để phát triển du lịch, phục vụ nhân dân trong tỉnh, trong nước và quốc tế.

Bích Động – Ảnh tư liệu

Với lợi thế là vùng đất cổ, có con người cư trú từ rất sớm, đặc biệt, Ninh Bình có gần nửa thế kỷ là kinh đô của triều đại phong kiến trung ương tập quyền đầy đủ đầu tiên của nước ta, Ninh Bình lưu giữ nhiều dấu tích lịch sử quan trọng. Các di vật, cổ vật còn lại đến ngày nay là nguồn tư liệu quý giá, phản ánh bức tranh nhiều sắc màu và giàu sức sống của văn hóa ViệtNam. Đó là các trống đồng, thư tịch Hán Nôm, di vật gốm sứ thời Đinh – Lê, Lý , Trần… Tiêu biểu trong hệ thống di vật cổ vật đó là cột kinh Phật chùa Nhất Trụ được dựng từ thế kỷ X, đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia năm 2015, Long sàng trước Bái dường và Long sàng trước nghi môn ngoại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2017.

Khối lượng các di sản văn hóa phi vật thể ở Ninh Bình cũng rất phong phú với trên 300 di sản thuộc đầy đủ các loại hình di sản văn hóa phi vật thể.

Nghệ thuật trình diễn dân gian (còn gọi là nghệ thuật diễn xướng), có 91 loại hình bao gồm âm nhạc, múa, hát, sân khấu và các hình thức trình diễn dân gian khác. Ninh Bình được biết đến là cái nôi của nghệ thuật chèo truyền thống, bà tổ của nghệ thuật chèo là Ưu bà Phạm Thị Trân (thời Đinh). Hiện nay, loại hình nghệ thuật này đã trở nên thân thuộc với người dân Ninh Bình, không chỉ được lưu giữ tại Nhà hát Chèo Ninh Bình mà tại các câu lạc bộ chèo của các huyện, thành phố, các khu dân cư trên địa bàn tỉnh, tập trung nhiều nhất ở các xã thuộc huyện Yên Khánh, Yên Mô và Kim Sơn. Riêng huyện Yên Mô còn lưu giữ loại hình hát Xẩm của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu, là một trong những loại hình nghệ thuật dân gian đặc biệt của Việt Nam, bên cạnh đó, nghệ thuật hát chầu văn, nghệ thuật diễn xướng dân gian thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu… cũng được tỉnh quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị, được đông đảo nhân dân hưởng ứng, lưu giữ, truyền dạy, phổ biến.

Di sản tri thức dân gian ở Ninh Bình có 24 loại hình bao gồm tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục và các tri thức dân gian khác.

Di sản làng nghề truyền thống ở Ninh Bình cũng rất phong phú. Đó là các nghề đã có từ lâu đời, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong giai đoạn hiện nay vẫn tiếp tục phát huy giá trị kinh tế, văn hóa, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh như nghề thêu ren Văn Lâm, nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, nghề cói Kiến Thái, nghề mộc Phúc Lộc, nghề nấu rượu Lai Thành… Không chỉ lưu giữ nghề truyền thống, mỗi làng nghề còn lưu giữ một kho tàng phong phú các bí quyết nghề, tri thức về thiên nhiên, đời sống, lao động sản xuất, và ẩm thực truyền thống của dân tộc…

Một góc Lễ hội Hoa Lư – Ảnh Mạnh Dũng

Di sản lễ hội truyền thống ở Ninh Bình cũng rất đa dạng, theo số liệu kiểm kê sơ bộ năm 2012 cho thấy Ninh Bình có khoảng 260 lễ hội diễn ra ở tất cả các mùa trong năm, ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức, cách thức khác nhau. Lễ hội Hoa Lư được ghi nhận là Di sản phi vật thể quốc gia, được tổ chức hàng năm thu hút hàng triệu lượt người dân và du khách đến tham dự, các lễ hội khác cũng có sức ảnh hưởng rộng khắp trong tỉnh, trong nước và quốc tế như: L hội đền Thái Vi, lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội Báo bản Nộn Khê, lễ hội đền Nguyễn Công Trứ, lễ hội đền Đức Thánh Nguyễn…

Ninh Bình được ghi nhận có gần 50 di sản tập quán xã hội chủ yếu là các phong tục tập quán của người Kinh và người Mường như: tục thờ cúng tổ tiên, tục lệ tang ma, đám cưới, phong tục lễ tết…

Ninh Bình là vùng đất có 2 tộc người sinh sống gồm người Kinh (Việt) và người Mường, do vậy, di sản ngôn ngữ ở Ninh Bình có 02 ngôn ngữ gồm tiếng Kinh và tiếng Mường. Đặc biệt, người Mường Kỳ Lão (xã Kỳ Phú) còn duy trì tiếng “Mường cổ” với nhiều âm tiết, ngữ điệu, giọng nói khác so với tiếng “Mường chung” ở các nơi khác trên địa bàn tỉnh và trong nước.

Là vùng đất cuối sông đầu núi, nơi gắn với nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc, Ninh Bình có một kho tàng văn học dân gian đặc sắc. Đó là khối lượng truyền thuyết về các nhân vật lịch sử gắn liền với vùng đất này như vua Đinh, vua Lê, vua Lý, vua Trần (truyền thuyết Mả táng hàm rồng, truyền thuyết Kiện ma Liễu Thăng….); truyền thuyết về đề tài phép thuật (Sự tích Núi Sậu, Khách để của, Hang giấu vàng…), truyền thuyết địa danh (Hai anh em họ Quách, Bắn phải voi quý của nhà vua….). Các loại hình tục ngữ về đề tài lịch sử, những câu phương ngôn về vùng đất, về con người và sản vật quê hương cũng làm nên nét riêng của văn học dân gian Ninh Bình.

Với một tiềm năng to lớn về hệ thống di sản văn hóa và di sản thiên nhiên như vậy, di sản Ninh Bình đang được quan tâm, bảo tồn tốt thông qua việc thực hiện các dự án bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh. Chắc chắn, đó sẽ là một nguồn lực quan trọng không thể thiếu đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Ninh Bình trên đường hội nhập và phát triển đất nước.

0 ( 0 bình chọn )

Cộng Đồng Đánh Giá

https://congdongdanhgia.com
Cộng Đồng Đánh Giá toàn diện các dịch vụ, sản phẩm, địa điểm.. Cam kết trung thực khách quan. Đặt lợi ích người đọc lên trên hết

Ý kiến bạn đọc (0)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bài Viết Liên Quan